Vận dụng quan điểm ngoại giao nhân dân Hồ Chí Minh vào công tác đối ngoại nhân dân hiện nay

Ngày đăng: 17/05/2012 - 16:05

Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2012), chúng ta tưởng nhớ tới công lao to lớn của Người. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã để lại cho Đảng ta, non sông, đất nước ta những di sản có giá trị lý luận và thực tiễn vô giá. Một trong những di sản quý báu trong hệ thống tư tưởng toàn diện, sâu sắc của Người là quan điểm ngoại giao nhân dân. Đó là sự hội tụ, kế thừa những giá trị, tri thức ngoại giao truyền thống ngàn đời của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết tinh qua hoạt động thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới, để hình thành nên tư tưởng và phong cách ngoại giao nhân dân Hồ Chí Minh.


 Bác Hồ thân mật trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi Tiệp Khắc và Việt Nam nhân dịp Người

sang thăm Tiệp Khắc năm 1957

Quan điểm của Người là luôn coi nhân dân là bạn, phân biệt rõ nhân dân ở chính quốc với thực dân và kẻ đi xâm lược. Người giải thích và thực hiện việc gây dựng mối quan hệ thân thiện, hữu nghị, đoàn kết với nhân dân các nước, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”. Đồng thời, phương pháp ngoại giao của Người còn hàm chứa những giải pháp giàu tính nghệ thuật cách mạng và ý chí tiến công như: Lấy yếu đánh mạnh, biết khai thác xu thế dân chủ đi tới gây tiếng vang lớn, tạo sức mạnh dư luận đồng tình ủng hộ. Nhờ đó mà đấu tranh ngoại giao nhân dân với lợi thế mềm dẻo, linh hoạt đã được thực hiện liên tục và luôn giành thắng lợi trong mọi hoàn cảnh. Đó còn là quan điểm làm sao cho nhân dân các nước bạn bè, các chính khách, đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ, giới nhân sĩ, tầng lớp trí thức, cũng như các đối tác của ta hiểu rõ về tư tưởng độc lập, tự chủ, hòa hiếu, đoàn kết, hữu nghị, quan điểm về chủ nghĩa xã hội, quyền dân tộc tự quyết, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân ta; về sự đoàn kết giữa các lực lượng tiến bộ trên thế giới trên tinh thần “thêm bạn, bớt thù” với phương châm: “Làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết” và “dĩ bất biến, ứng vạn biến”1; về phương pháp nắm bắt thời cơ, ngoại giao “tâm công” và nghệ thuật vận dụng nhuần nhuyễn “5 điều biết” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến hóa); biết lợi dụng mâu thuẫn của đối phương và biết nhân nhượng có nguyên tắc để bảo vệ, phát triển thực lực cách mạng, đi tới giành thắng lợi; đoàn kết nhân dân trong nước và đoàn kết nhân dân thế giới trên tinh thần: “Việt Nam làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”2.

Thực tiễn cho thấy, nhờ sự góp sức to lớn của mặt trận ngoại giao nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ta đã tranh thủ được tối đa sức mạnh của nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ đồng tình, ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Không những thế, mặt trận này còn tạo ra một phong trào phản đối chiến tranh xâm lược ngay trong lòng quốc gia của kẻ thù xâm lược, với những cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ của hàng chục vạn quần chúng, đã gây chia rẽ lớn trong nội bộ nước Pháp, góp phần buộc thực dân Pháp phải từ bỏ âm mưu xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặt trận nhân dân thế giới đã ra sức đoàn kết, ủng hộ Việt Nam với một sức mạnh chưa từng có trong lịch sử thế giới. Chính sức mạnh đó kết hợp với sức mạnh của dân tộc, đã góp phần to lớn buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang, đi đến kết thúc chiến tranh. Thắng lợi đó không tách rời sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang đậm dấu ấn tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, đó là sự gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào tiến bộ của nhân dân thế giới. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”3.

Ngày nay, kế thừa và phát huy mạnh mẽ truyền thống đấu tranh ngoại giao hòa hiếu của dân tộc, không ngừng nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng, quan điểm ngoại giao nhân dân Hồ Chí Minh, mặt trận này từ khi có Đảng lãnh đạo ngày càng góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. Một “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam” trước đây đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, một thời Việt Nam từng được tôn vinh là “lương tri của thời đại”. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, mặt trận này trở thành một trong ba lực lượng trên mặt trận đối ngoại chung của đất nước (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân), vì thế, Đảng ta luôn khẳng định “phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, đồng thời nhấn mạnh việc “đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước”4, “coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân”5. Thực tiễn đã chứng minh tính đúng đắn trong quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm đó của Người vào công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ hội nhập quốc tế, đã giúp chúng ta đạt được những thành tựu hết sức to lớn trên một số lĩnh vực.

Một là, hoạt động đối ngoại nhân dân với lợi thế mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo đã diễn ra hết sức sôi nổi, đa dạng, phong phú, hiệu quả. Các tổ chức đoàn thể nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức hữu nghị, các địa phương đã có nhiều cố gắng tiến hành hoạt động trên mọi lĩnh vực, góp phần không nhỏ vào giữ vững môi trường hòa bình, củng cố, mở rộng quan hệ hữu nghị với nhân dân các nước, các vùng lãnh thổ, các tổ chức trên thế giới. Đối ngoại nhân dân đã phối hợp tốt với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, tạo nên những kết quả rất quan trọng trên mặt trận đối ngoại chung của đất nước.

Hai là, thông tin đối ngoại trong đối ngoại nhân dân đã góp phần thông tin kịp thời, chính xác về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước tới bạn bè quốc tế; nhiều lực lượng, loại hình, kênh thông tin khác nhau đã tích cực tham gia vào mặt trận này, với mục tiêu bao trùm là góp phần tạo dựng hình ảnh đích thực của một đất nước Việt Nam đổi mới trên thế giới, để từ đó tranh thủ được sự ủng hộ, đồng tình rộng rãi của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên thế giới; đã giới thiệu thông tin để bạn bè thế giới hiểu đúng, hiểu đầy đủ về đất nước, con người, về sự đổi mới, năng động, phát triển mạnh mẽ ngày càng có sức thuyết phục của Việt Nam. Qua đó, ta đã tranh thủ được thiện chí, tình cảm của bạn bè, giúp họ cảm nhận được thái độ thân thiện, giàu lòng mến khách của ta. Đồng thời, đã tổ chức phát hành các sản phẩm tuyên truyền, tham gia cung cấp, trao đổi thông tin với các đối tác qua kênh thông tin điện tử..., để lại những ấn tượng tốt đẹp về tình hữu nghị, đoàn kết, gây tiếng vang trong dư luận quốc tế.

Ba là, đối ngoại nhân dân đã góp phần vào đấu tranh và định hướng dư luận về những vấn đề: tôn giáo, dân chủ, nhân quyền… nhằm bảo đảm giữ vững ổn định an ninh, chính trị, xã hội và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện khả năng vận dụng sáng tạo nhưng có nguyên tắc tư tưởng của Người về phân biệt rõ “bạn - thù”, “thêm bạn, bớt thù” vào việc lựa chọn phương thức, đối tác, đối tượng thích hợp.

Bốn là, đối ngoại nhân dân đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối ngoại giao văn hóa như: lập hồ sơ, vận động, tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, góp thêm nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của nước nhà vào danh sách các di sản được tổ chức UNESCO công nhận và tạo ra “sức mạnh mềm” của quốc gia. Ngoài ra, ta còn triển khai hiệu quả công tác “dân vận quốc tế”, đã thu hút sự tham gia đông đảo của các đoàn ngoại giao, chính khách, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, được phản ánh rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, được quảng bá tới hàng triệu người nước ngoài và bà con kiều bào ta ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, công tác đối ngoại nhân dân cần đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới và sự đòi hỏi của công tác này trong thực hiện chủ trương: “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân”6. Đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 27 diễn ra tại Hà Nội (ngày 12-12-2011) về công tác ngoại giao nhân dân trong thời gian tới: Đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhân dân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế; đồng thời tăng cường đấu tranh dư luận, đấu tranh pháp lý bằng những luận cứ sắc bén cũng như thông qua đối thoại nhằm phản bác, đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta… Cùng với các ngành hữu quan cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, góp phần nâng cao giá trị Việt Nam trong con mắt bạn bè và nhân dân thế giới. Thông qua các phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền, làm cho thế giới hiểu rõ đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; hiểu biết và yêu mến đất nước Việt Nam tươi đẹp với bề dày lịch sử phong phú; văn hóa Việt Nam với những di sản và giá trị đặc sắc, độc đáo; con người Việt Nam với những đức tính thân thiện, hòa hiếu; dân tộc Việt Nam với sức sống vươn lên mãnh liệt, ngày nay đang đổi mới, hội nhập quốc tế thành công. Cần đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền và các ấn phẩm văn hóa; chú trọng xuất bản và phổ biến ra bên ngoài các ấn phẩm có giá trị của các nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi; khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt ở nước sở tại.

Bên cạnh đó, chúng ta phải chủ động, tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân vào triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại nhân dân, bảo đảm sự thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong hoạt động đối ngoại chung. Phải luôn bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về công tác đối ngoại nhân dân đã được nêu trong Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 6-7-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu về đối tác, về phong trào nhân dân các nước, về các vấn đề đang đặt ra trong phong trào nhân dân thế giới để chủ động hơn trong quá trình hợp tác, hội nhập quốc tế; đổi mới tư duy và tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, hình thành các cơ chế phối hợp có hiệu quả trong hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cần tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác này. Đồng thời, phải triển khai thực hiện thành công Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại trong thời kỳ mới. Tăng cường phổ biến, quán triệt, vận dụng kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các quy chế, yêu cầu đối với lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân. Đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp thông tin đối ngoại, tạo bước đột phá nhằm phát huy lợi thế của các lực lượng, các kênh thông tin để chuyển tải, cung cấp kịp thời cho thế giới các thông tin trung thực về tình hình Việt Nam; góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức của thế giới về đất nước và con người Việt Nam.

Phải góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối ngoại giao văn hóa, văn hóa gắn với thể thao, du lịch; phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đổi mới và sáng tạo về hình thức, làm phong phú về nội dung, đa dạng, linh hoạt về cách thức tuyên truyền văn hóa đối ngoại. Đặc biệt, chúng ta phải luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác trên mặt trận đối ngoại này đủ mạnh, có bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

 

ThS. NGUYỄN THẾ HƯỞNG

Ban Tuyên giáo Trung ương

 Chú thích

 1. Lê Văn Bàng: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Tạp chí Thông tin đối ngoại, 2007, số 5, tr. 7.

2. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam: Kỷ yếu về công tác đối ngoại nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, 2002, tr. 39.

3. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 32.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 282, 115.

5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 238.

 

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả