Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại trong công cuộc đổi mới hiện nay

Ngày đăng: 17/09/2015 - 15:09

Trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin, những quan sát và phân tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về các vấn đề quốc tế và thời đại, cách ứng xử của Người trên trường quốc tế đã hình thành nên hệ thống lý luận, quan điểm, nguyên lý thực tế, sâu sắc cũng như những hành động đối ngoại chuẩn mực, hiệu quả, định hướng cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam.

2011~~7~~6~~1066~~2011~~7~~3~~3644~~200905160716402650

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại là hệ thống quan điểm về các vấn đề quốc tế, chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới. Các tư tưởng, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo đó được thể hiện trong các giai đoạn cách mạng và là nền tảng cho mọi thắng lợi của ngoại giao Việt Nam suốt 70 năm qua với nhiều bài học kinh nghiệm.

Độc lập tự chủ, tự lực tự cường. Chính sách đối ngoại của Việt Nam đã góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, được thể hiện cô đọng trong câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”1. Mục tiêu cao cả này xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng trước đây và công cuộc đổi mới hiện nay của nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”2. Chính vì vậy, Đảng ta luôn thấm nhuần quan điểm chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để xác định phương hướng, nhiệm vụ, phương pháp thực hiện trong từng giai đoạn cách mạng cho phù hợp.

Huy động sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Độc lập tự chủ, tự lực tự cường đi liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế là tư tưởng chủ đạo trong chính sách kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”3. Người cũng nêu rõ: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”4. Trong thời đại ngày nay, sức mạnh dân tộc của chúng ta chính là thế và lực của đất nước có được sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới; là sức mạnh tổng hợp, bao gồm sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc, như sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự, dân số, lãnh thổ; các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, tinh thần yêu nước, tinh thần lao động cần cù và ý chí vươn lên của con người Việt Nam... Sức mạnh thời đại là các “dòng chảy chính” của thế giới và khu vực, là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, xu thế toàn cầu hóa và liên kết khu vực, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, quá trình dịch chuyển cán cân lực lượng, đổi mới mô hình tăng trưởng.Quan điểm kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là quan điểm mác xít về giải quyết mâu thuẫn dựa trên vai trò quyết định của yếu tố bên trong và tác động, ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài. Việt Nam là bộ phận của thế giới. Việc kết hợp đúng đắn sức mạnh dân tộc với các nguồn lực và trào lưu lớn của thế giới sẽ nhân lên gấp bội sức mạnh của đất nước và là phương sách chiến lược trong quan hệ quốc tế.

Cách đây 70 năm, ngày 28-8-1945, nền ngoại giao Việt Nam hiện đại ra đời, với niềm vinh dự Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao Việt Nam không ngừng phát triển, đóng góp vào những thắng lợi trên các chặng đường cách mạng của đất nước, phục vụ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những mục tiêu nhân dân ta theo đuổi luôn phù hợp với những mục tiêu chung của các dân tộc, đó là quyền độc lập quốc gia, quyền tự quyết dân tộc, phù hợp với xu thế chung trên thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Nhờ vậy mà suốt 70 năm qua, nhân dân ta luôn giành được sự đồng tình ủng hộ quý báu của nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta giành thắng lợi trong các cuộc cách mạng.

Ngoại giao nhân văn, luôn nêu cao chính nghĩa; hữu nghị, đoàn kết và hợp tác với các dân tộc khác. Ngoại giao Việt Nam giành thắng lợi bằng chính nghĩa, lẽ phải, đạo lý và tính nhân văn, luôn nêu cao chính nghĩa “đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”; đấu tranh vì lợi ích của dân tộc mình nhưng cũng vì lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Bên cạnh đó, cách ứng xử chủ đạo của người Việt Nam là hòa bình, hữu nghị với các dân tộc khác. Xuất phát từ truyền thống văn hiến dân tộc, gắn kết lòng người với những mục tiêu chính nghĩa; từ hoàn cảnh nhiều khi phải đối phó với nhiều đối thủ cùng một lúc, chúng ta luôn theo đuổi phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “…làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết”5.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhân lên truyền thống nhân văn sâu sắc của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, phù hợp với khát vọng hòa bình, tự do, công lý của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Truyền thống đấu tranh ngoại giao của cha ông ta đã hình thành một phương cách ứng xử kiên trì về nguyên tắc, song linh hoạt, mềm mỏng, khéo léo về sách lược. Trong các cuộc kháng chiến, điều “bất biến” là chúng ta kiên trì các vấn đề độc lập, chủ quyền, thống nhất, uyển chuyển, linh hoạt, “vạn biến” trong sách lược thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay, nguyên tắc “bất biến” là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; còn phương cách bảo đảm những nguyên tắc bất di bất dịch ấy thì thiên biến vạn hóa, khi cương khi nhu, khi tiến khi lui tùy theo vấn đề, thời điểm, tương quan lực lượng cụ thể.

Nắm vững thời cơ, giành thắng lợi từng bước. Lịch sử các cuộc đấu tranh với các đối thủ mạnh hơn mình gấp nhiều lần của dân tộc ta đã hình thành nên nghệ thuật giành thắng lợi từng bước, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa đánh và đàm. Đó chính là tư tưởng “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, vận dụng tổng hợp sức mạnh quân sự, chính trị và ngoại giao.

Ngoại giao Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo phương sách này; luôn nắm vững, chủ động tạo thời cơ, tấn công giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được thắng lợi từng bước với việc gia nhập ASEAN năm 1995, gia nhập các tổ chức khu vực và toàn cầu, như Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM, năm 1996), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC, năm 1998), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2006), từng bước hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới với việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA)...

Những phát triển, đột phá mới trong chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới

Đổi mới về tư duy đối ngoại. Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị (khóa VI) tháng 5-1988 khởi đầu cho quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta với nhiệm vụ chủ động chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong cùng tồn tại hòa bình. Tháng 6-1992, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII đề ra chủ trương mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới6. Trong mỗi giai đoạn, chính sách đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ: phá thế bao vây, cô lập (1986-1996); mở rộng quan hệ hợp tác và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế (1996-2006); đưa các mối quan hệ quốc tế vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện (từ năm 2006 đến nay) với những đột phá và phát triển mới, như:

Thứ nhất, xác định rõ ưu tiên lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Thời kỳ đổi mới đánh dấu bước ngoặt quan trọng với việc xác định ưu tiên lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh mới, đặt lên hàng đầu mục tiêu phát triển trong khi vẫn kiên định mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia và vị thế quốc tế. Nhiệm vụ lớn của công tác đối ngoại thời kỳ này là “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”7.

Giữ vững lợi ích quốc gia, dân tộc, trong bối cảnh hội nhập, độc lập tự chủ có nội hàm mới là sự tương tác để có quyền tham gia quyết định các vấn đề khu vực, quốc tế và khả năng sử dụng các nguồn lực bên ngoài để giải quyết các vấn đề quốc gia. Độc lập tự chủ cũng chính là điều kiện tiên quyết cho hội nhập hiệu quả. Bên cạnh đó, độc lập tự chủ còn là tiền đề để đa dạng hóa, đa phương hóa; đa dạng hóa, đa phương hóa là phương cách hiệu quả để giữ vững độc lập tự chủ, đặc biệt khi đất nước ta ngày càng hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trong môi trường quốc tế có nhiều chuyển biến phức tạp.

Thứ hai, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm; đưa các mối quan hệ quốc tế đi vào chiều sâu; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Việc xác định Việt Nam “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”8, “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện, cũng như làm sâu sắc các mối quan hệ quốc tế của nước ta đã thể hiện những chuyển biến quan trọng trong tư duy đối ngoại của Đảng, phù hợp với những thay đổi của tình hình đất nước và thế giới. Triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng này sẽ tăng cường uy tín, vị thế quốc tế, tập hợp lực lượng, huy động sự ủng hộ, thiện cảm của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển của ta.

Bên cạnh đó, nền tảng chiến lược cho đối ngoại của nước ta trong bối cảnh môi trường quốc tế và khu vực đang có nhiều chuyển biến phức tạp sẽ được củng cố, theo định hướng làm sâu sắc các mối quan hệ quốc tế, mở rộng nội hàm của các quan hệ đối tác, gia tăng mức độ đan xen lợi ích, nhất là lợi ích chiến lược, lợi ích kinh tế lâu dài với các đối tác; củng cố và tạo dựng những cơ chế hợp tác để bảo đảm tính ổn định và bền vững của quan hệ, từng bước gia tăng lòng tin chính trị.

Trong quá trình hội nhập sâu rộng vào “sân chơi” toàn cầu và khu vực, Việt Nam chủ động tham gia xây dựng các quy tắc, luật lệ ứng xử chung trong quan hệ quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia cũng như thế, lực và trình độ phát triển của đất nước khi hội nhập quốc tế. Nghị quyết số 22- NQ/TW(ngày 10-4-2013) của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế đã có những chỉ đạo chiến lược, thống nhất nhận thức, làm rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nội dung cơ bản của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực, các định hướng giải pháp lớn để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Thứ ba, tư duy mới về an ninh trong xử lý mối quan hệ đối tác - đối tượng. Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (năm 1992) xác định rõ phương châm xử lý các vấn đề đối ngoại là phải nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế. Đến Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (năm 2003), quan điểm này đã được phát triển và cụ thể hóa thêm, nêu cách nhìn nhận có tính biện chứng về đối tượng quan hệ, đưa ra khái niệm “đối tượng” (đấu tranh) và “đối tác” (hợp tác) và cách nhìn nhận mềm dẻo về các khái niệm này.

Đây là đột phá quan trọng về tư duy để tạo được nhận thức chung trong việc tăng cường quan hệ hợp tác với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước đang có những vấn đề với nước ta. Bên cạnh đổi mới trong cách lựa chọn đối tượng quan hệ, phương châm mới về “đối tác, đối tượng” còn giúp chúng ta nâng cao quyết tâm thúc đẩy quan hệ, đổi mới trong xác định hình thức và nội dung quan hệ với các nước.

Trong thời kỳ đổi mới, tư duy mới về an ninh của ta đã nhấn mạnh tính tùy thuộc với an ninh của các nước khác trong khu vực và tầm quan trọng của việc bảo đảm môi trường bên ngoài kề cận Việt Nam hòa bình và ổn định, định hướng cho ưu tiên đối ngoại với các nước Đông Nam Á. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định, “phấn đấu cùng các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh”9. Định hướng ưu tiên hợp tác ASEAN là một bước phát triển cao hơn về tư duy, với việc khẳng định rõ, Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, phấn đấu cùng các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, có quan hệ chặt chẽ với các đối tác bên ngoài, có vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 70 năm qua, Ngoại giao Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trong mọi giai đoạn cách mạng, vượt qua những thách thức của thời đại, phấn đấu vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Nước ta đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 2.200 USD. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185/193 nước thành viên Liên hợp quốc, quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước; đối tác toàn diện với 11 nước; quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế… Những thành tựu trên là minh chứng sinh động của đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả các bài học của 70 năm trưởng thành và phát triển của Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm qua, chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”10.

Lê Viết Duyên

Bộ Ngoại giao

(Theo Tạp chí Cộng sản)

--------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 12;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t. 7;

3. Bộ Ngoại giao: Bác Hồ và hoạt động ngoại giao - Một vài kỷ niệm về Bác, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008;

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 3;

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 8, tr. 26-27;

6. Nguyễn Mạnh Hùng: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển”,Tạp chí Cộng sản, tháng 9-2006;

7. Vũ Khoan: “An ninh, Phát triển, và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại”, Nghiên cứu quốc tế, 1993, số 2, tr. 3;

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Hà Nội, 2011;

9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 237;

10. Đường lối đối ngoại Đại hội XI và những phát triển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Đảng ta, www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/ cs_doingoai/ nr 070523093001/ns110520170239.

Bình luận