Văn hóa - một cách hiểu của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù

Ngày đăng: 19/09/2013 - 10:09

       Nhật ký trong tù là một tác phẩm văn học lớn, một di sản văn hóa có giá trị nhiều mặt, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong những năm Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc. Trong đó, Người đã đưa ra một quan niệm hết sức đặc sắc về văn hóa. 70 năm đã trôi qua nhưng quan niệm của Người về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị.

       Tháng 9-1940, phát xít Nhật kéo vào Đông Dương, thực dân Pháp hèn nhát dâng Đông Dương cho Nhật, Việt Nam và Trung Quốc cùng có chung một kẻ thù là phát xít Nhật. Với mục đích “Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân”1, muốn qua sự giới thiệu của bà Tống Khánh Linh để gặp Tưởng Giới Thạch nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của Trung Quốc đối với tổ chức cách mạng và đấu tranh chống phát xít Nhật của nhân dân Việt Nam, tháng 8-1942, Hồ Chí Minh lên đường đi Trùng Khánh. Nhưng khi Người vừa vượt qua biên giới, đến Túc Vinh, huyện Tĩnh Tây, thì bị lính của Trần Bảo Thương - Chủ nhiệm Cục Tình báo Trung ương đóng ở Tĩnh Tây bắt giam vì tình nghi là gián điệp. Từ đây đến cuối năm 1943, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải đi khắp mười tám nhà lao của mười ba huyện tỉnh Quảng Tây, bị ăn đói, mặc rét, bị ghẻ lở, bệnh tật, chấy rận, muỗi rệp hoành hành. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện một tâm hồn đại trí, đại nhân, đại dũng của một nhà cách mạng vượt lên mọi sự đày ải của kẻ thù, vượt qua thử thách, giữ vững khí phách kiên cường, tinh thần lạc quan qua tập thơ Ngục trung nhật ký. Cùng với viết nhật ký bằng thơ, trong phần cuối thời gian ở tù, Hồ Chí Minh được tự do đọc sách báo. Hồ Chí Minh tích cực đọc sách, báo và ghi chép để nắm bắt tình hình cũng như trau dồi tri thức, kinh nghiệm. Cuối tập Ngục trung nhật ký, trong phần Mục đọc sách, cùng với những thông tin về quân sự, Hồ Chí Minh đã nêu ra một quan niệm hết sức sâu sắc của mình về văn hóa.

       Nói tới văn hóa là nói tới con người với nhận thức, ý thức, hoạt động, hành vi và lối sống trong các mối quan hệ xã hội giữa người với người, với cộng đồng, với môi trường hoàn cảnh và thế giới nói chung. Là một khái niệm đa nghĩa, nhiều tầng lớp, do vậy, mỗi người từ góc độ chuyên môn riêng hay do những mục đích nhận thức khác nhau mà có những quan niệm khác nhau về văn hóa. Trong công trình Primitive Culture (1871), E.B. Taylor lần đầu tiên đưa ra khái niệm văn hóa và từ đó cho đến nay đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa ra đời (năm 1952, A.L. Kroeber và A.C. Kluckhohn đã liệt kê có hơn 150 định nghĩa về văn hóa)2.

Anh bai Van hoa mot cach hieu

Bảo tàng Hồ Chí Minh

       Hồ Chí Minh không phải là một nhà lý luận văn hóa chuyên nghiệp, nhưng Hồ Chí Minh được tôn vinh là “nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, là một danh nhân văn hóa của thế kỷ XX. Sự thừa nhận của thế giới đối với Hồ Chí Minh được xác lập trên một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Người đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại. Trong quá trình tổ chức, lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Hồ Chí Minh đã giành lại địa vị xứng đáng cho văn hóa Việt Nam trong nền văn hóa thế giới. Là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa mới, vận dụng thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã tạo cho văn hóa Việt Nam một cái nhìn mới, một quan niệm sống mới, một ý thức chính trị, đạo đức, pháp luật, văn hóa, nghệ thuật mới chưa từng có trong lịch sử văn hóa dân tộc. Sự thay đổi đó được khởi đầu từ một quan niệm sâu sắc của Hồ Chí Minh về văn hóa trong Nhật ký trong tù: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”3.

      Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa xuất phát từ cách tiếp cận mácxít và rất gần gũi với đời sống, khi coi văn hóa gắn với các phương thức hoạt động và sinh hoạt của con người. Là một con người đã có quá trình tích lũy tri thức, thâu thái và liên kết nhiều sắc thái văn hóa, am tường sức mạnh của văn hóa, Hồ Chí Minh nêu ra khái niệm văn hóa chính là một sự tổng kết cả hai phương diện khoa học và thực tiễn, chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam.

       Trước hết, Hồ Chí Minh xem văn hóa không chỉ đơn thuần là đời sống tinh thần của con người - xã hội, mà từ trong bản chất của mình, văn hóa chính là linh hồn, là hệ thần kinh của một xã hội, là sức mạnh trường tồn của dân tộc, là sức sống của thời đại. Văn hóa không phải là toàn bộ đời sống của con người, mà là phần tinh hoa được chưng cất, kết tụ nên cái bản chất, bản sắc, tính cách của dân tộc, của thời đại. Văn hóa được sinh ra từ hơi thở cuộc sống, từ năng lực, trình độ và phương thức sống của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người. Văn hóa hiện diện trong mọi hoạt động, từ suy tư đến hành động thực tế, từ hoạt động cá nhân đến những vận động xã hội, từ hoạt động vật chất đến những sáng tạo tinh thần, những phát minh, sáng chế tạo ra những giá trị mới của sản xuất vật chất, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật.

      Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, văn hóa còn là giá trị - sản phẩm của con người nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Nhu cầu đời sống của con người luôn luôn phát triển, đòi hỏi của sự sinh tồn luôn luôn nâng cao để hoàn thiện. Nói đến văn hóa là nói đến những giá trị kết tinh lao động sáng tạo của con người trên các bình diện hoạt động nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và cải tạo chính bản thân mình, hướng tới sự tốt đẹp, nhân văn, hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Nói đến văn hóa, không chỉ là nói đến những giá trị tĩnh mà còn là sự vận động, phát triển và hoàn thiện những giá trị ấy trong thời gian và không gian. Với Hồ Chí Minh, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội.

     Một điều đặc biệt, sau khi nêu lên quan điểm về văn hóa, Hồ Chí Minh đã chỉ ra cụ thể nội dung, yêu cầu xây dựng nền văn hóa mới của đất nước. Người viết: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc: 1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3- Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4- Xây dựng chính trị: dân quyền. 5- Xây dựng kinh tế”4. Như vậy, khi phân tích nội hàm khái niệm văn hóa, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc xây dựng nền văn hóa dân tộc phải đặt trong mối quan hệ với các mặt khác của đời sống dân tộc. Xây dựng văn hóa phải gắn với từng bình diện của cuộc sống, làm cho văn hóa trở thành những phẩm chất tốt đẹp của những lĩnh vực đời sống đó.

      Quan niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa tỏ rõ tính hiện đại. Quan niệm này thể hiện tầm chiến lược thiên tài của Hồ Chí Minh trong việc xác định vai trò, vị trí và hướng phát triển cho nền văn hóa mới làm cơ sở cho sự phát triển xã hội Việt Nam tương lai.

      Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, văn hóa là một trong những nội dung được nghiên cứu, được nói đến nhiều nhất. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về khái niệm văn hóa nói riêng và văn hóa nói chung gắn liền với những tên tuổi của các nhà văn hóa học nổi tiếng. Nhưng, qua biết bao thăng trầm của lịch sử, quan niệm sâu sắc về văn hóa của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

      Năm 1970, gần 30 năm sau thời điểm Hồ Chí Minh viết quan niệm của mình về văn hóa trong Nhật ký trong tù, tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Venise (Italia), UNESCO đã thừa nhận khái niệm do F. Mayor - nguyên Tổng giám đốc của tổ chức này đưa ra khái niệm chung, chính thức của cộng đồng quốc tế về văn hóa: Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Có thể thấy, khái niệm này của UNESCO về văn hóa có nội dung cơ bản như nội dung khái niệm văn hóa của Hồ Chí Minh. Cái khác nhau của hai quan niệm này ở chỗ, quan niệm của F. Mayor chỉ nhấn mạnh đến tính đặc thù của các giá trị văn hóa “làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác”. Còn đối với quan niệm về văn hóa của Hồ Chí Minh, văn hóa không chỉ là cái tạo nên tính đặc thù của dân tộc, mà còn phải là những giá trị “nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đặc biệt, năm 2004, trong bản tổng kết mang tên: UNESCO và vấn đề đa dạng văn hóa: Tổng kết và các chiến lược, 1946-2004 của Ban Chính sách văn hóa và đối ngoại văn hóa, UNESCO, đã khẳng định: phát triển văn hóa không phải vì văn hóa mà để phục vụ con người, nhằm đạt đến mục đích cuối cùng là phát triển con người bền vững, phù hợp với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đây chính là điều đáp ứng “đòi hỏi của sự sinh tồn” mà Hồ Chí Minh đã thể hiện trong quan niệm về văn hóa của mình.

     Không chỉ đóng góp về mặt lý luận với khái niệm văn hóa sâu sắc, Hồ Chí Minh còn là chủ thể sáng tạo ra văn hóa. Đó là nhà thơ Hồ Chí Minh với những bài thơ thể hiện khát vọng tự do, công lý, nhân đạo, hòa bình, sự cổ vũ cho cái đẹp, cho nhân văn. Đó là nhà văn Hồ Chí Minh, người mở đầu, đặt nền móng cho văn xuôi cách mạng Việt Nam. Đó là nhà báo Hồ Chí Minh với sự sáng lập nhiều tờ báo vô sản cách mạng như tờ Le Paria, tờ Thanh niên, tờ Việt Nam độc lập… Đặc biệt, xét từ phương diện chủ thể sáng tạo, Hồ Chí Minh còn chính là người đặt nền móng và mở đường cho việc vận dụng lý luận và phương pháp luận mácxít vào việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam.

      Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa có ý nghĩa sâu xa, đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Nó không chỉ là mục tiêu phấn đấu vươn tới những giá trị cao đẹp cho cuộc sống mà còn có vai trò nền tảng và sức mạnh hết sức to lớn trong phát triển xã hội. Quan niệm về văn hóa trong Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh là điểm khởi đầu cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

***

Chú thích:

1, 3, 4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.3, tr.309, 458.

2. Xem A.L. Kroeber and A.C. Kluckhohn: Culture - a critical review of concept and definitions, New York, 1952.

 

PHAN DUY ANH

Khoa Khoa học Chính trị - Đại học KHXH&NV

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

 

 

Bình luận