Văn hóa với tính cách là động lực phát triển của xã hội

Ngày đăng: 22/01/2015 - 10:01

vanhoavoitinhcachladongluc

1. Văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc

Văn hóa là vấn đề hệ trọng các quốc gia, dân tộc, ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả và chính khách. Không phải ngẫu nhiên mà tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển, các nguyên thủ quốc gia đều nhất trí rằng: Các nhân tố văn hóa là những điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững và chúng trở thành bộ phận không thể tách rời của các chiến lược phát triển.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu và hàng trăm định nghĩa về văn hóa; song quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa là súc tích, dễ hiểu, phản ánh được bản chất của văn hóa. Theo Hồ Chí Minh, “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương tiện sử dụng. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với hiểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhưng nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”1.

Như vậy, văn hóa là hiện tượng rộng lớn, bao quát, tác động và chi phối toàn bộ xã hội, thể hiện là toàn bộ hoạt động sáng tạo của con người (phân biệt với những hoạt động bản năng, tự nhiên của loài vật); là tổng thể các giá trị vật chất và giá trị tinh thần do hoạt động sáng tạo của con người tạo ra để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của con người, loài người; là văn hóa mang tính đặc thù, thể hiện bản sắc dân tộc.

Trong lịch sử, các dân tộc đều có phương thức hoạt động và đời sống phong phú về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo... Song, cái phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác lại không phải ở kinh tế hay chính trị (mặc dù chúng rất quan trọng) mà chính là văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa kết tinh những giá trị tạo nên bản sắc dân tộc mà ta hay gọi là bản sắc văn hóa dân tộc. “Bản sắc văn hóa dân tộc là kết tinh những giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc của dân tộc, có tính bền vững và trường tồn trong lịch sử, nhờ đó mà mọi thế hệ ra đời có kế thừa và phát triển ngay được giá trị của quá khứ, tiếp thu được giá trị hiện đại, đồng thời định hướng được giá trị tương lai để tồn tại và phát triển mà không tự đánh mất mình”2.

Nói đến văn hóa là nói đến giá trị (phản giá trị không phải là văn hóa), nhưng không phải tất cả các giá trị đều là (hoặc biểu hiện là văn hóa) bản sắc văn hóa dân tộc. Chỉ những giá trị nào mang tính bền vững, giữ vai trò “trụ cột” định hướng cho hoạt động và đời sống của dân tộc suốt chiều dài lịch sử mới kết tinh, trở thành bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, khi nói bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị tinh thần cốt lõi và đặc sắc của dân tộc, có tính bền vững và trường tồn, thì điều đó không có nghĩa nó là cái “tuyệt đối”, “bất biến” và “bảo thủ”, mà có nghĩa nó vừa là “nền tảng tinh thần” và “trụ cột” của dân tộc, vừa là “bộ lọc” tinh nhạy để loại bỏ những tiêu cực, không phù hợp với giá trị truyền thống của dân tộc; đồng thời chắt lọc được những tinh hoa của nhân loại để làm giàu hơn, phong phú hơn giá trị dân tộc.

Trong lịch sử, dân tộc ta có ít nhất hai cuộc giao lưu, tiếp xúc văn hóa lớn với nhân loại: lần thứ nhất với văn hóa phương Đông (chủ yếu với văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc thông qua Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo); lần thứ hai với văn hóa phương Tây (chủ yếu là văn hóa Pháp và Mỹ). Cả hai lần giao lưu và “đụng độ” văn hóa ấy, dân tộc ta không chỉ khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tiếp thu được tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác để làm giàu thêm hệ giá trị của mình. Cụ thể, chúng ta tiếp thu và cải biến tư tưởng “Từ bi” của Phật giáo để góp phần nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, lối sống nhân ái, khoan dung chứ không chấp nhận sự “nhẫn nhục” và “trì giới”; vận dụng quan niệm “Nhân - Trí - Dũng” của Nho giáo để “trừ yêu, diệt bạo, an dân”, góp phần phát triển đạo đức, nhân văn chứ không tuân theo “Tam cương - ngũ thường” và “Tam tòng, tứ đức” một cách mù quáng; học triết lý “Vô vi” của Đạo giáo để phát triển tinh thần lạc quan, yêu đời và lối sống “hòa đồng với vạn vật”, nhưng không chấp nhận thái độ “Vô vi, vô sự” và lối sống thụ động, lánh đời; tiếp nhận tinh thần “dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái” của văn hóa phương Tây để góp phần làm tăng nội lực cho cuộc đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước, chứ nhất định không theo lối sống thực dụng tầm thường và chủ nghĩa cá nhân cực đoan vị kỷ3.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam thực hiện giao lưu, hội nhập với văn hóa nhân loại để quảng bá giá trị Việt Nam ra thế giới, đồng thời chắt lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần tăng cường năng lực nội sinh cho công cuộc đổi mới. Đảng ta khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Trong đó nhấn mạnh, “bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, tạo thành những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...”4.

2. Vai trò động lực phát triển của văn hóa

Vai trò động lực phát triển của văn hóa được thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, theo lôgích phát triển nội tại của mình, văn hóa có tính quy định đối với sự phát triển xã hội. Tính quy định của văn hóa đối với sự phát triển xã hội thể hiện, trước hết, ở sự chỉ đạo, định hướng của văn hóa đối với hoạt động đời sống của con người. Trong thời kỳ hội nhập, Việt Nam ngày càng xích lại gần với xã hội phương Tây ở phương diện văn minh. Nhưng văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây không giống nhau và có những bản sắc riêng.

Thứ hai, trong sự phát triển, văn hóa luôn bộc lộ khát vọng khẳng định mình, khẳng định bản sắc dân tộc và sự bình đẳng trong mối tương quan với những nền văn hóa khác. Nếu ở phương diện văn minh, mỗi dân tộc thể hiện trình độ khác nhau thì ở phương diện văn hóa các dân tộc đều bình đẳng và có quyền tự hào về bản sắc riêng, về những giá trị độc đáo của mình. Vì vậy, khát vọng tự khẳng định mình của mỗi nền văn hóa trở thành động lực thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước.

Trong nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, Việt Nam cần phải có chính sách, cơ chế và giải pháp thích hợp để đưa giá trị văn hóa thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội phát triển.

Một là, cần lựa chọn, tiếp thu và sử dụng loại hình công nghệ tối ưu cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, trên thế giới các loại hình công nghệ đều là tổ hợp gồm bốn yếu tố: con người, kỹ thuật, thông tin và tổ chức. Trong đó, chỉ có kỹ thuật là thuộc về lao động quá khứ, ba yếu tố còn lại đều là lao động sống. Vì vậy, việc lựa chọn loại hình công nghệ tối ưu không đơn thuần chỉ là việc thu hút vốn đầu tư, chuyển giao kỹ thuật hiện đại và tiếp thu kinh nghiệm quản lý. Điều đặc biệt quan trọng là phải đào tạo đội ngũ cán bộ có tầm trí tuệ để có thể tiếp thu và sử dụng một cách hợp lý, sáng tạo công nghệ hiện đại, phù hợp với công nghệ truyền thống và điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hai là, triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ và hợp lý, trước hết là xây dựng nguồn nhân lực theo phương châm “Một người lo hơn một kho người làm”, “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”. Cần vận dụng và phát triển sáng tạo những kinh nghiệm đó đúng nơi, đúng lúc để phát huy truyền thống hiếu học, nâng cao tri thức, rèn luyện tay nghề để thúc đẩy sản xuất. Đó là những tiền đề và điều kiện để người nông dân chuyển từ tư duy kinh tế tự cung tự cấp, độc canh, thuần nông sang tư duy kinh tế hàng hóa, đa canh, đa dạng hóa ngành nghề trên cơ sở kết hợp tri thức kinh nghiệm lâu đời với tri thức khoa học hiện đại.

Ba là, từ thực tiễn cuộc sống và các giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, từng bước hình thành hệ giá trị tinh thần mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước. Trong hệ giá trị tình thân truyền thống, cần đặc biệt chú ý: chủ nghĩa yêu nước; ý chí tự lập, tự cường; phương thức ứng xử linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh; đức tính cần cù, sáng tạo; lối sống thương người, trọng nghĩa tình, ghét cực đoan. Cả ba phẩm chất này đều là sản phẩm được kết tinh trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, nếu được nuôi dưỡng và kích thích hợp lý chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực to lớn, thúc đẩy xã hội phát triển.

Tóm lại, xã hội vận động, biến đổi và phát triển được là nhờ có sự thúc đẩy bởi hệ thống động lực, trong đó có những yếu tố vừa là nguồn gốc, vừa là động lực phát triển xã hội như nhu cầu và lợi ích của con người; biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quạn hệ sản xuất, cơ sở hạ tầng và kiến thức thượng tầng, tồn tại xã hội và ý thức xã hội... Ngoài ra còn những động lực rất quan trọng nữa là đấu tranh giai cấp, dân chủ và dân chủ hóa đời sống xã hội; văn hóa; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo... Mỗi động lực đều có vị trí, vai trò và tác dụng riêng của mình; song tất cả chúng hợp thành hệ thống động lực thúc đẩy xã hội phát triển.

Ths. Nguyễn Thị Thanh Nhiên

Trung tâm Lý luận chính trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trích trong “Sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, 2014.

 

1. Xem Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 10 - 1995.

2. Nguyễn Thế Nghĩa: Những chuyên đề triết học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.468-469.

3. Xem Nguyễn Thế Nghĩa, Lê Hồng Liên (Đồng chủ biên): Văn hóa và phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.31.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.23.



 

Bình luận