Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng - Kỳ 2: Thời niên thiếu đến tuổi thành niên (1925-1930)

Ngày đăng: 05/10/2011 - 10:10

Chịu ảnh hưởng sâu sắc và bước đầu có ý chí theo chân các bậc tiền bối cách mạng, nhất là các nhân vật nổi tiếng ở quê hương huyện Tam Kỳ (trước kia là huyện Hà Đông gồm Tam Kỳ, Tiên Phước, phủ lỵ Tam Kỳ) như: Trần Văn Dư, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... cho nên tôi sớm tham gia phong trào yêu nước, bước đầu là phong trào đòi trả tự do cho Cụ Phan Bội Châu (1925), truy điệu và để tang Cụ Phan Châu Trinh (1926), và trải qua các phong trào đến Cách mạng Tháng Tám 1945, hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, những năm tháng chiến đấu hào hùng nhất của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Cuộc đời tôi từ lúc 13, 14 tuổi ở tỉnh nhà đến nay luôn luôn gắn bó với các thời kỳ cách mạng, bắt đầu từ năm 1925 trở đi, từ giác ngộ cách mạng dân tộc, giải phóng đất nước đến giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin - chủ nghĩa cộng sản.

Cha tôi là người có nhuệ khí, đã tham gia các phong trào đấu tranh để giải phóng dân tộc. Từ khi lên 9 lên 10 tuổi tôi đã được ông thân dạy bảo lòng yêu nước bằng cách kể chuyện ông đã từng tham gia các phong trào cách mạng chống Tây, cứu nước. Ông nội tôi đã tham gia phong trào Cần vương.

Cuối năm 1904, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp đã tham gia sáng lập Việt Nam Quang phục hội nhằm truyền bá tư tưởng Duy Tân, và tổ chức phong trào Đông Du, chọn thanh niên yêu nước đưa sang Nhật, sang Trung Quốc học để đào tạo nhân tài. Các cụ lập trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội và một số tỉnh, để giáo dục tinh thần yêu nước, lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên và văn hóa mới cho nhân dân.

d.c-Vo-Chi-Cong2

Đồng chí Võ Chí Công với các đồng chí ở Trung ương Cục miền Nam tại

căn cứ B.2: Nguyễn Văn Linh, Trần Nam Trung, Phan Văn Đáng. Ảnh: Lấy từ sggp.org.vn

Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ - Tĩnh cũng như ở Hà Nội, phong trào Đông Du đã sôi nổi, công khai, song song với phong trào hoạt động bí mật chống Pháp, chống vua quan phong kiến đầu hàng, bán nước, làm tay sai cho giặc, vận động các nhà vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân để giương ngọn cờ hiệu triệu quốc dân đứng lên cứu nước. Nhiều nhà nho yêu nước, cũng như ông thân tôi được xem nhiều sách báo từ Trung Quốc nhập vào nước ta, nên tiếp thu những tư tưởng dân chủ tiến bộ theo triết học phương Tây do Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu truyền bá, sau lại tiếp thu học thuyết Tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) và chính sách liên Nga, liên cộng, phù trợ công nông của Tôn Trung Sơn.

Vào những năm 1927-1929 ở Tam Kỳ đã xuất hiện nhóm hoạt động cách mạng của các cụ Nguyễn Kế, Nguyễn Lược, Võ Nghiệm (tức Võ Dương - cha tôi), Trần Xáng và Đào Quang Hiển là những cốt cán của phong trào yêu nước, bị tù đày về cuộc chính biến Duy Tân năm 1916.

Thông qua danh nghĩa hội buôn bán nông - lâm sản, liên kết với những người yêu nước trong huyện và các nơi để vận động cách mạng, nội dung hoạt động của nhóm này lúc bấy giờ còn lẫn lộn giữa hai xu hướng cách mạng quốc gia và cách mạng vô sản, nhưng chủ yếu là vận động chống chế độ thống trị của thực dân Pháp, để cứu nước, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản cho một số thanh niên tiến bộ và những người tích cực trong phong trào yêu nước, thông qua việc rải truyền đơn tại mỏ vàng Bồng Miêu tuyên truyền sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đến tháng 10-1930, trong vụ bể vỡ của Đảng bộ Quảng Nam, các đồng chí trong chi bộ và quần chúng cảm tình cách mạng bị địch bắt, đồng chí Tư Định bị kết án ba năm tù đày đi Lao Bảo, Hồ Đắc Thành và Phan Kinh bị chín tháng tù giam ở nhà lao tỉnh. Đồng chí Khưu Thúc Cự, cụ Võ Nghiệm và anh Kỳ cũng bị bắt giam tại phủ Tam Kỳ một thời gian rồi thả về địa phương quản thúc.

Năm 1932 nhóm trên chuyển thành Hội cứu tế đỏ và có thêm đồng chí Phan Trung, nhóm tồn tại đến cuối năm 1932.

Khoảng năm 1904-1908, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đề xướng phong trào Duy Tân, cải cách: “Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” để thức tỉnh lòng yêu nước, nêu cao chí khí đấu tranh trong nhân dân đang bị chà đạp dưới chế độ thực dân phong kiến, mở mang trí tuệ cho dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phát triển kinh tế, làm cho đời sống nhân dân no đủ theo hướng tự lực tự cường. Dưới những hình thức công khai, biến tướng như mở trường dạy chữ quốc ngữ, bài trừ hủ tục, cắt tóc ngắn (Pháp cho là giặc cắt tóc). Đến năm 1908, phong trào trở nên quyết liệt như chống sưu cao, thuế nặng khắp các tỉnh Trung Kỳ. Tại Quảng Nam nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo nhân dân rầm rộ kéo đến phủ, tỉnh đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Giặc Pháp khủng bố, bắt nhiều người bỏ tù. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo. Trần Quý Cáp bị tử hình. Một số người cầm đầu các cuộc biểu tình cũng bị giặc Pháp xử tử. Ông thân tôi tham gia các phong trào nói trên và bị bắt đi tù.

Tiếp đến cuộc chính biến Duy Tân (1916) do Trần Cao Vân, Thái Phiên cầm đầu, vận động vua Duy Tân tham gia, song bị bại lộ từ đầu. Trần Cao Vân, Thái Phiên bị xử tử. Riêng ở phủ Tam Kỳ chưa biết cuộc khởi nghĩa bị lộ, các nơi khác đến nửa chừng bị dập tắt chưa hành động gì được. Phủ Tam Kỳ tuy cướp được chính quyền, bắt tên tri phủ, giữ chính quyền được 7-8 tiếng đồng hồ nhưng rốt cuộc cũng bị thất bại. Những người lãnh đạo bị bắt vào tù, ông thân tôi cùng một số người lãnh đạo bị bắt đi tù trong ba năm, sau ra tù ông vẫn hoạt động trong các phong trào cứu nước.

Phong trào yêu nước ở nước ta hồi bấy giờ có hai xu hướng: cải cách dân chủ và bạo động vũ trang. Đại diện cho xu hướng cải cách dân chủ là Phan Châu Trinh; đại diện cho xu hướng bạo động là Phan Bội Châu. Tuy chủ trương của hai xu hướng không giống nhau, song những người cầm đầu hay tham gia hai xu hướng ấy đều là những người yêu nước chân chính. Quan hệ giữa hai cụ Phan, những người đứng đầu của hai khuynh hướng rất chân tình, tôn trọng lẫn nhau, mong muốn hợp tác để cứu dân, cứu nước. Qua các áng thơ văn, nhất là bài Văn tế Phan Châu Trinh, Cụ Phan Bội Châu đã ca ngợi Cụ Phan Châu Trinh hết lời.

Trước hoàn cảnh mất nước, cách mạng Việt Nam có ba nhân vật tiêu biểu, đại diện cho những khuynh hướng khác nhau, sự lựa chọn con đường cứu nước khác nhau: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Tuy vậy, tư tưởng hoạt động cứu dân, cứu nước của Phan Châu Trinh về thực chất không đối lập với khuynh hướng, tư tưởng của Phan Bội Châu và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc do những người cộng sản lãnh đạo. Phan Châu Trinh nói với Bác Hồ: không bao lâu nữa chủ nghĩa của anh tôn thờ thâm căn cố đế sẽ vào dân tình, vào các chí sĩ nước ta. Trước lúc tạ thế, Cụ Phan Châu Trinh trăng trối: Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc.

Từ thuở thiếu thời tôi đã được ông thân kể chuyện Pháp xâm chiếm nước ta và các phong trào chống Pháp cứu nước. Mở đầu cuộc tấn công xâm lược nước ta, tháng 9-1858 quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng với ý đồ vượt đèo Hải Vân chiếm kinh thành Huế, buộc triều đình Huế đầu hàng. Nhưng nhân dân Đà Nẵng bất hợp tác, lãnh cư, cùng với quân triều đình đánh giặc Pháp, xây dựng ba phòng tuyến liên tiếp, hầm hào, vây đồn, phục kích diệt giặc Pháp. Những cuộc ác chiến xảy ra liên tục. Sau 19 tháng giặc Pháp sa lầy, tổn thất nặng và gặp nhiều khó khăn, buộc phải từ bỏ âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, rút khỏi Đà Nẵng chuyển vào đánh chiếm Gia Định.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ, tháng 7-1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị và xuống chiếu Cần vương làm bùng lên phong trào khởi nghĩa vũ trang chống Pháp khắp các tỉnh Trung Kỳ. Tại Quảng Nam, nổ ra cuộc đấu tranh vũ trang từ năm 1885 đến 1887, do Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu... lãnh đạo. Phong trào có quy mô lớn và ảnh hưởng rộng. Nghĩa quân lập chiến khu Tân Tỉnh ở huyện Quế Sơn. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, chém giết dã man. Bất chấp kẻ thù quân đông, tàu to, súng lớn, nhân dân đã đánh trả quyết liệt, xả thân vì nước, nêu cao ý chí quật cường, bất khuất.

Quân xâm lược Pháp cứ gặm dần hết nước Việt Nam, từ lục tỉnh Nam Kỳ, Trung Kỳ, rồi đến Bắc Kỳ. Các cuộc bàn cãi trong triều đình: đánh hay hòa diễn ra liên miên. Nhưng chung quy chỉ là bàn cãi suông, thực tế thì Pháp đã chiếm hết cả nước: Pháp lấy Gia Định, Vũ Duy Ninh tự tử; Pháp lấy lục tỉnh Nam Kỳ, Phan Thanh Giản tự tử; Pháp đánh Hà Nội lần thứ nhất, Nguyễn Tri Phương tử tiết; Pháp đánh Hà Nội lần thứ hai, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Triều đình hoảng hốt, sau một lần bại trận đã khẩn khoản “cầu hòa”, nộp tiền bồi quân phí để “xử hòa”, nhưng giặc vẫn tiến công lấn chiếm, lại đánh nhau, lại thua, lại xin hòa, xin bồi thường, bắt dân đóng thuế phụ thu. Pháp kéo quân vào kinh đô Huế thất thủ, triều đình đầu hàng, Tôn Thất Thuyết cầm đầu phái chủ chiến chạy qua Trung Quốc rồi chết ở đó. Vua Hàm Nghi chạy ra đến Quảng Bình thì bị bắt, công cuộc chống giặc Pháp của triều đình nhà Nguyễn kết thúc.

Sau vụ bôn tẩu của Hàm Nghi, Pháp đã đặt được quyền cai trị thuộc địa lên toàn bộ đất nước ta. Đồng Khánh lên ngôi, trật tự được lập lại trên đầu mũi súng của quân xâm lược Pháp và tay sai. Đồng Khánh chết, Thành Thái lên ngôi, một ông vua cứng đầu có lòng yêu nước, chống Pháp, nhưng rồi vua bị giặc đày sang châu Phi.

Khi các quan tiễn đưa đi đày, vua có bài thơ, tôi chỉ nhớ mấy câu:

Ly rượu tiễn đưa máu dân lành

Mồ hôi trăm họ quánh xanh chén trà,

Lệ ta hòa với lệ dân ta

Tiếng dân than khóc vượt xa tiếng đàn,

Cứu dân thoát ách cơ hàn nào ai?...

Khi tôi lên sáu, bảy tuổi, ông thân đã hết lòng dạy bảo về chữ quốc ngữ và chữ Hán, ông là người nho học nhưng lúc bấy giờ biết chữ quốc ngữ cũng khá. Đến tám tuổi, ông cho tôi đi học ở một trường tư thục, gửi tôi cho một thầy giáo học đệ tứ thành chung, do bãi khóa ở Trường Quốc học Huế chống Tây nên bị đuổi học, thầy giáo là người yêu nước đầy tâm huyết và quen thân với ông. Ngoài ra, ông luôn luôn dạy bảo tôi về lễ nghĩa, trung hiếu, về đạo làm người trước hết phải có nhân, có đức, đức là gốc, tài là cành lá, gốc có bền thì cành lá mới tốt tươi; dạy tinh thần yêu nước thương dân, và ông giải thích câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”, nghĩa là dân là gốc quan trọng nhất, thứ đến là nước nhà, vua là xoàng, xem nhẹ nhất. Làm trai phải có chí lớn, có lòng yêu nước hơn yêu nhà, dám vùng lên cứu nước, cứu dân. “Quốc gia hưng vong sĩ phu hữu trách”. Ông nêu thuyết của Khổng Tử tu thân trước hết phải chỉnh tâm, tức là có lòng chính trực, trong sáng, tu nhân là có đạo đức, nhân nghĩa, trung hiếu... Nhờ đó mà tôi học được một số điều hay như: khí tiết của nhà nho yêu nước, đạo làm người lấy đức làm gốc, lấy nghĩa làm trọng, lòng thương người, yêu nước thương dân, đối nhân xử thế... Tôi rất kính trọng, thương yêu và nghe lời ông dạy bảo.

Một điều khó quên được, khi ngoài 20 tuổi, tôi được chính thức kết nạp vào Đảng (1932) ở chi bộ Tam Mỹ, đến năm 1934 đổi thành chi bộ ghép Mỹ Sơn1. Trước đó, cha tôi cũng đã được vào Đảng. Ba cha con và một người anh cùng ở một chi bộ, có năm đảng viên, ba già, hai trẻ. Tôi được cử làm bí thư chi bộ. Trong bối cảnh vừa tình cha con, vừa tình đồng chí cùng lý tưởng đã tạo nên cho tôi một tình cảm thiêng liêng khó nói ra lời. Tình cảm cha con khá đặc biệt, ông luôn luôn khuyên tôi phải lo làm cách mạng, mọi việc trong gia đình đều do ông quán xuyến, hơn nữa ông còn hết lòng chăm sóc cho tôi có điều kiện hoạt động. Nghĩ đến đây tâm hồn tôi xao xuyến, xúc động không cầm được nước mắt vì rất biết ơn và thương ông suốt cuộc đời chịu gian khổ, hy sinh cho đất nước. Vì chịu cực khổ, tra tấn, tù tội, bệnh tật để cho tôi thoát ly hoạt động cách mạng, mà ông mất sớm ở tuổi 66, không thấy được ngày cách mạng thành công.

Khi tôi đến tuổi thanh niên, trình độ hiểu biết có được nâng lên, tuy là cha con nhưng như bạn tâm giao nên thường tâm sự, bàn luận có khi còn tranh luận những vấn đề trong sách vở hoặc ngoài đời. Ông hay luận về triết học Khổng - Mạnh, tôi tuy hiểu biết về lĩnh vực này còn rất kém nhưng có biết phần nào về duy vật lịch sử và phép biện chứng mà dám tranh luận với ông về Khổng Tử, một triết gia lớn đã để lại một di sản lớn. Nền văn minh cổ đại ở phương Đông vẫn được tôn vinh trong lịch sử từ trước đến nay. Tư tưởng, chính trị, đạo lý... xuất hiện ở một thời đại xa xưa không ngừng phát triển vì gắn với thực tiễn cuộc sống. Lịch sử bao giờ cũng lưu giữ những truyền thống tốt đẹp, nhưng cũng không bao giờ lặp lại những gì đã lỗi thời. Khổng - Mạnh đã xây dựng nên một hệ tư tưởng đến nay vẫn còn nhiều điều hay. Như quan điểm: nước lấy dân làm gốc, tính nhân nghĩa, đạo đức lương tri, nhân cách làm người, hiểu để thương yêu mọi người, lễ nghĩa là kính trọng mọi người, tôn lão kính trưởng, v.v.. Những điều tốt như vậy ở thời đại nào, dân tộc nào cũng tôn kính. Nhưng cũng có những điều không thích hợp với thời đại hiện nay và điều kiện của đất nước. Ví dụ như, đạo Nho đề ra thuyết “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” (việc vô cớ vua có quyền buộc tôi trung phải chết, nếu không chết là không trung), “Phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu" (cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu), v.v., hay thuyết tam tòng: tòng phụ, tòng phu, tòng tử đối với phụ nữ quá khắc nghiệt, v.v.. Thấy cảnh chiến tranh gây cho dân vô tội bị chết chóc, thương tật, đói khổ, cha mất con, vợ mất chồng, các cụ đã phê phán kẻ hiếu chiến tức là bọn vua quan tham vọng xâm lược nước khác làm bá chủ và sống sung sướng trên xương máu của nhân dân; đề xướng đường lối chính trị nhân đức, chấm dứt chiến tranh. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, tuy đường lối của các cụ rất hay, nhân dân thán phục nhưng bọn vua quan thống trị vì quyền lợi ích kỷ của chúng nên không bao giờ chấp nhận, nếu muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược phải vận động nhân dân chống lại, chứ thuyết nói suông thì chả có tác dụng gì, khác nào "dã tràng xe cát biển Đông". Ông cho tôi nói có lẽ đúng.

*
*     *

Từ tuổi 13 trở lên tôi được ông thân cho đi dự các hoạt động yêu nước như đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu và tổ chức truy điệu và để tang Phan Châu Trinh. Thỉnh thoảng tôi được theo ông đi chơi với bạn yêu nước của ông ở các phủ huyện trong tỉnh và các ông ở tỉnh Quảng Ngãi. Những cuộc gặp nhau giữa các ông thường là bàn về thời cuộc, về việc nước, việc dân. Tôi cũng được nghe lỏm và cũng hiểu được chút ít nhưng rất thấm thía, thích thú. Ông thường kể cho tôi nghe về chí khí, tài cao đức trọng và hoạt động cách mạng lừng danh của các chí sĩ, nói về văn thơ kiệt xuất của các nhà yêu nước lớn như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp. Ông hay ngâm thơ và đưa cho tôi đọc nhiều áng thơ văn của các cụ nói trên.

Cha tôi suốt đời vì dân, vì nước, có chí khí, có đức nhân hậu, dũng cảm, tham gia và hoạt động sôi nổi trong các phong trào cách mạng dân tộc, chống Pháp và vua quan, cường hào tay sai thối nát. Tôi vô cùng kính phục, yêu mến và thương nhớ cha tôi. Vì bị địch truy nã, vây bắt tôi phải hoạt động cách mạng thoát ly 5 năm (cũng là thực hiện chỉ thị của Đảng và lời dạy của ông "nặng việc nước, nhẹ việc nhà"), nên ông bị chúng bắt tra tấn và buộc đi tìm tôi khắp các phủ huyện trong tỉnh Quảng Nam và đi vào các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Sở mật thám giao cho ông một quyển sổ, đi đến xã nào phải xin xác nhận của lý trưởng sở tại, nhưng ông đâu có ý nghĩ tìm tôi, sau về bị tù tội. Khi gần chết, địch trả về gia đình, sau một thời gian ngắn thì ông từ trần.

Mẹ tôi, người hiền lành đôn hậu, ít nói, lam lũ, nội trợ, chịu mọi sự nhọc nhằn trong gia đình để cho chồng, con hoạt động cách mạng. Tuy không hiểu biết nhiều về cách mạng nhưng bà giác ngộ một cách âm thầm. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mẹ tôi thường xuyên chăm lo cho gia đình mà luôn luôn có khách của cha tôi, bạn bè, đồng chí của tôi và các cán bộ cách mạng lui tới hằng ngày. Tôi rất thương và kính trọng người mẹ hiền có lòng yêu nước. Sau Hiệp định Giơnevơ, đầu năm 1955, mẹ tôi tập kết ra miền Bắc, bà sống thêm được 20 năm trên đất Bắc và từ trần năm 1974, hưởng thọ 92 tuổi. Nhà nước truy tặng bà danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng là vinh dự cho gia đình vì cha tôi cũng được công nhận là Liệt sĩ. Người anh cả tham gia cách mạng sớm, đã hy sinh trong tù trước Cách mạng Tháng Tám. Người em cũng tham gia cách mạng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở miền Nam, hy sinh ở chiến trường Quảng Nam đầu năm 1973.

Hầu hết gia đình tôi đều tập kết, trong đó vợ tôi là Phan Thị Nể, tỉnh uỷ viên trước tháng 8-1945 và hai đứa con trai, cùng với người em trai đi học đều đã tốt nghiệp đại học và đều là cán bộ nhân viên nhà nước. Có một cháu gái con người anh cả đã hy sinh, đi học ở Liên Xô, đỗ phó tiến sĩ2 và là giảng viên đại học. Gia đình người em trai đã hy sinh đều đi tập kết, một mẹ năm con, người mẹ là cán bộ nhà nước, có ba cháu đều đã tốt nghiệp đại học.

Do ảnh hưởng truyền thống của gia đình nên hầu hết con, cháu đều là đảng viên và tham gia công tác cách mạng, tôi cũng không ngoài hoàn cảnh đó. Tiếp thu truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quê hương, của dân tộc nên tôi sớm được hun đúc những tình cảm cách mạng tốt đẹp và đã có chí kiên định từ tuổi thiếu niên. Trái tim tôi đập cùng một nhịp với trái tim của đồng bào trong tỉnh và của dân tộc, đã cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của người dân mất nước. Lúc còn là học sinh tôi đã luôn suy nghĩ là làm sao phá bẻ được xiềng xích, thoát ách nô lệ lầm than, khoảng 15, 16 tuổi lại có một nỗi buồn day dứt vì sống giữa một chế độ bạo ngược, dã man; một cõi đời mạnh được yếu thua, dân tình đói nghèo cùng cực vì cảnh nước mất nhà tan.

Có lúc vì thấy nhiều việc bất bình, không thể cam chịu trước nhân tình thế thái đảo điên, loạn lạc, tôi đã muốn tập hợp bạn bè học sinh, thiếu niên diệt bọn ác ôn, cứu dân lành. Biết ý nghĩ của tôi, ông thân tôi nói: ý muốn là chuyện bình thường, nhưng còn làm cho được mới là chuyện khó, cái tính của thiếu niên, thanh niên là sôi nổi, chứa đầy ảo tưởng, tuy có chí khí, có tâm huyết nhưng chưa có đủ cơ hội, chưa trưởng thành đủ lông đủ cánh mà muốn làm việc tày trời thì không tránh khỏi thất bại và khuyên tôi phải ra sức học hỏi mới làm nên sự nghiệp. Người ta thường nói cái tuổi thiếu thời đến thời thanh niên, bồng bột nên dễ nông nổi, thiếu chín chắn. Người xưa có nói tuỳ thời, khi dùng sức mạnh, khi khéo léo mềm dẻo là cái kế hay ngàn năm.

Lớn lên tôi đã từng đi lại giao thiệp với các bạn trẻ con cháu các nhà yêu nước, phần nhiều là con cháu các nhà nho yêu nước, do sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù có người ông cha hy sinh, nhiều người tù tội, họ không thể quên thù nhà nợ nước, nhưng vẫn bâng khuâng, tư lự, làm gì bây giờ đây? Tập hợp anh em bạn bè và tổ chức lực lượng vũ trang đánh Pháp và tay sai, cứu dân, cứu nước thì thấy chưa đủ điều kiện để làm. Ngay các nhà nho yêu nước, các nhà trí thức, thanh niên, có tâm huyết gặp nhau, tâm giao bàn bạc việc nước, việc dân nhưng vẫn chưa tìm ra con đường sáng rõ nên vẫn ôm lòng thù hận.

Trước thời cuộc khủng hoảng đó, tâm trạng các nhà yêu nước buồn phiền, rồi năm ba người gặp nhau trò chuyện giải khuây, lại nhắc đến lịch sử nước nhà những thời oanh liệt, dân tộc ta đã từng đánh thắng Tống, Mông - Nguyên, Minh, Thanh. Có người lấy rượu giải sầu, khi say rồi thì chửi thực dân Pháp, vua quan, cường hào cho hả dạ.

Từ tuổi lên 9 lên 10, được đọc một số bài thơ, phần nhiều là của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đã gợi cho tôi những cảm xúc thắm thiết. Đến tuổi 12, 13 trở lên tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, nhất là cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và thơ văn của các cụ. Do đó, tôi muốn viết về mỗi cụ một sự kiện lịch sử để kỷ niệm và nhớ lại các nhà chí sĩ suốt đời vì dân, vì nước mà từ thời niên thiếu lúc tôi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước đã ghi nhớ không bao giờ quên.

Về Phan Bội Châu, tháng 6-1925, Cụ bị mật thám bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi đưa về Việt Nam, giam ở Hoả Lò (Hà Nội). Ở trong ngục Cụ viết câu đối: "Thất bại đến này ri, đắng cay sóng gió, khắp chân trời góc bể hơn 20 năm, một việc cũng không thành, máu cuộn non sông mây nhuộm biếc, tinh thần vẫn thế mãi, bút mực vẫy vùng, cùng kẻ Á, người Âu ngoài ngàn muôn dặm, nếu còn sống lại nhân quyền thế giới vẽ tô hồng".

Câu đối này lọt ra ngoài gây nên dư luận trong nhân dân. Tin Phan Bội Châu bị bắt, gây xôn xao dư luận ở Hà Nội và các tỉnh, nhiều tỉnh gửi điện qua bưu vận đến các công sở, công chức và rải truyền đơn... nhằm gây dư luận để Pháp không thể bí mật thủ tiêu Phan Bội Châu. Thực dân Pháp đành phải đưa Cụ ra xử công khai. Tháng 11-1925, chúng lập một hội đồng đề hình (Toà đại hình) do một tên Pháp làm chánh án và cử hai trạng sư người Pháp để bào chữa. Hôm xử án, nhân dân kéo đến rất đông, Pháp bố trí binh lính, mật thám dày đặc nhiều vòng vì chúng sợ quần chúng phẫn nộ phá toà án.

Cụ Phan tự bào chữa, trả lời đanh thép trước toà án thực dân. Cụ chứng minh mình vô tội vì chỉ hoạt động chống lại cường quyền, chống lại sự áp bức và nô dịch của thực dân Pháp. Lập luận của Cụ là tôi chỉ dùng văn hoá trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân chống chính phủ bảo hộ, chỉ trích chính sách thuộc địa tàn bạo của Pháp. Trong khi tự bào chữa giọng nói của Cụ dõng dạc, hùng biện, cách nói đàng hoàng, tư thế hiên ngang và khảng khái, bất khuất, v.v. cho nên đã gây chấn động lớn trong công chúng. Hai trạng sư Pháp tỏ thái độ ủng hộ Cụ Phan: Dẫu tôi đây là người Pháp, đối với Phan Bội Châu, tôi cũng phải hâm mộ thân thế quang minh, tinh thần cao thượng, nghị lực phi thường, tinh thần bất khuất của Cụ... Trong khi viên biện lý yêu cầu toà nên kết án tử hình thì trong đám đông quần chúng phản đối rầm rộ. Có một nhà nho tự đứng lên xin được chết thay cho Phan Bội Châu. Cuối cùng toà tuyên án kết án Cụ tù khổ sai chung thân. Thực dân Pháp đã buộc phải chùn tay,  tuy nhiên vẫn gây cơn phẫn nộ lớn trong nhân dân cả nước. Phong trào đấu tranh rộng lớn của các tầng lớp trí thức, học sinh, nhà nho yêu nước, công nông, thanh niên, phụ nữ, công chức... xảy ra ở khắp ba kỳ. Được tin Varen được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương, rất nhiều địa phương tổ chức hội họp, mít tinh, rải truyền đơn, học sinh bãi khoá, điện văn tới tấp tới Varen đòi trả tự do cho Phan Bội Châu. Khi Varen đến Hà Nội, nhiều cuộc biểu tình với khẩu hiệu đòi trả tự do cho Phan Bội Châu đã nổ ra.

Trước tình hình đó để mị dân và xoa dịu phong trào quần chúng, Chính phủ Pháp buộc phải tha bổng Phan Bội Châu, đưa Cụ về Huế, đặt dưới sự quản thúc của chế độ bảo hộ và Nam triều.

Nhân sự kiện thực dân Pháp kết án Cụ Phan Bội Châu, ở Quảng Nam - Đà Nẵng, phong trào đấu tranh của các tầng lớp quần chúng lên rất cao, dư luận bàn tán sôi nổi, hội họp, mít tinh, gửi điện văn ra Toàn quyền Varen đòi trả tự do cho Cụ Phan. Tại phủ Tam Kỳ phong trào cũng diễn ra rất sôi nổi. Lúc bấy giờ ở tuổi thiếu niên (13 tuổi) nhưng tôi rất háo hức, phấn khởi hăng hái đi dự với ông thân, nghe các nhà nho yêu nước, các thầy giáo, v.v. bàn tán về vụ xử án Phan Bội Châu. Một cuộc mít tinh rất đông người, đến nay đã hơn 70 năm mà tôi vẫn còn nhớ như mới gần đây, bởi vì đây là cột mốc đầu tiên tôi được tham dự một sự kiện chính trị. Tại cuộc mít tinh được tổ chức ở trường học Tam Kỳ, ông Đốc Cảnh, một nhà trí thức yêu nước đã giảng thuyết hùng hồn về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động chống thực dân Pháp, cứu nước, cứu dân của Cụ Phan và phẫn nộ phản đối việc thực dân Pháp xử án Phan Bội Châu. Trong cuộc mít tinh này, các tầng lớp nhân dân, các nhà yêu nước, các thầy giáo, học sinh, thanh niên, công nhân, v.v. đã hô vang khẩu hiệu phản đối Pháp xử nhà yêu nước vô tội, đòi trả tự do cho Cụ Phan, sau đó gửi điện thư đòi Chính phủ Pháp, Toàn quyền Varen thả ngay Phan Bội Châu. Chỉ riêng ở Quảng Nam, hay nói hẹp hơn nữa là ở phủ Tam Kỳ phong trào đấu tranh đòi thả Cụ Phan đã gây một tiếng vang chưa từng có trong nhân dân, nhất là học sinh, thanh niên. Do đó cuộc mít tinh này đã gây nên một làn sóng căm ghét bọn giặc Pháp, giác ngộ lòng yêu nước rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân.

Từ tuổi thiếu niên đến trưởng thành tôi được đọc nhiều thơ văn của các thi sĩ yêu nước, nhất là của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Dưới đây là một số bài thơ mà tôi đã từng được đọc.

Bài thơ Xuân dương hưu biệt của Phan Bội Châu:

Đội trời đạp đất đấng làm trai,

Há để càn khôn tự chuyển dời,

Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở há không ai?

Non sông đã chết, sống thêm nhục.

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài,

Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Sau khi về Huế, Pháp mua chuộc Cụ Phan Bội Châu bằng giao chức quan cao nhất nhưng Cụ từ chối không nhận. Trước hành động cao cả của Cụ, Huỳnh Thúc Kháng làm thơ ca ngợi:

Lòng giữ kiên trinh, cảnh cam cùng khổ,

Trống kèn bốn mặt, tai chẳng thèm nghe;

Xe ngựa đầy đường, mắt không thèm ngó,

Lò thế lỏng chì chảy thiếc,

Tuổi vàng cao mặc sức lửa nung,

Biển đam mê cuốn rác trôi bèo,

Cột đá vững tha hồ sóng gió.

*
*    *

Về đám tang Phan Châu Trinh:

Sau 14 năm hoạt động ở Pháp, tháng 6-1925 Cụ Phan Châu Trinh về nước, ông Nguyễn An Ninh được cử sang Pháp đón Cụ. Ra đón Cụ tại bến cảng Sài Gòn có hàng ngàn người với đủ các tầng lớp nhân dân. Cũng trong tháng 6-1925, Phan Bội Châu ở Thượng Hải, bị bắt đưa về nước xử án tại Hà Nội. Khắp cả nước theo dõi vụ án Phan Bội Châu và hoạt động của Phan Châu Trinh.

Phan Châu Trinh về tạm ở Sài Gòn, người tới lui thăm viếng không ngớt, Cụ bị bệnh nhưng vẫn tiếp khách cả ngày. Cụ đã đánh điện cho Toàn quyền Varen,  yêu cầu ân xá cho Phan Bội Châu.

Cuối năm 1925, tuy đau yếu, Phan Châu Trinh đã hai lần nói chuyện ở Sài Gòn, người dự nghe rất đông, nhất là trí thức, các nhà yêu nước, học sinh, công chức, công nhân. Lần thứ nhất Cụ nói về luân lý và đạo đức Đông Tây, lần sau nói về quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa. Theo Cụ cuộc tranh hơn thua trên thế giới không thuần nhờ sức mạnh vật chất mà phải nhờ có đạo đức làm gốc. Đạo đức ấy có cơ sở từ những sự vẻ vang trong lịch sử dân tộc ta, nghĩa là đức hay, tính tốt cả mấy ngàn năm của cha ông để lại, một dân tộc như vậy mà nay mất nước như ta. Vấn đề lớn trong cạnh tranh, sinh tồn là phải có một sức mạnh tinh thần làm cơ bản, đạo đức là cái gốc của dân tộc, là bản chất của dân tộc kết tinh lại như hòn ngọc mài không mòn vì nền luân lý của ta thời bấy giờ. Cụ cực lực phê phán cái "Tà thuyết thụ nho", lấy cái quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng thực chất là quan hệ bất công vua tôi chuyên chế, coi vua như thần, dân như cỏ rác. Cụ nhắc đến đời Trần, vua quan gần dân, đoàn kết dân tộc, nhờ vậy mà chiến thắng giặc ngoại xâm hùng mạnh. Vì vậy cần giữ cái gốc đạo đức của dân tộc ta, đồng thời tiếp thu cái tốt về luân lý đạo đức chân chính của người. Cái cốt lõi của quốc gia là yêu nước, nước đã mất thì phải bồi bổ lòng yêu nước, phải đoàn kết, bênh vực lẫn nhau, hễ người ta làm gì bất công thì hợp sức lại mà chống.

Về quân trị và dân trị: Cụ trình bày luận điểm rõ ràng, chính xác và thoả đáng, góp phần đả phá óc quân chủ chuyên chế và phát triển ý thức dân chủ, lấy dân làm gốc, mọi quyền lực do dân quyết định qua người đại diện, chứ không phải do một thế lực nào có quyền quyết định. Cuộc nói chuyện rất đông người dự và lắng nghe, đã đi sâu vào lòng người đương thời. Với nội dung rất mạnh dạn và mới mẻ trong bối cảnh nước ta lúc bấy giờ, quan điểm của Cụ Phan Châu Trinh đã nâng cao lòng yêu nước, kích thích óc suy nghĩ, trí phán đoán và đồng lòng hăng hái của các tầng lớp nhân dân, làm cho mọi người thấy rõ: "Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh". Hai bài nói chuyện được ghi chép và phân phối ra cả nước (tôi đã đọc hai bài này rất đam mê).

Đến tháng 12-1925, bệnh của Cụ ngày càng nặng, suốt thời gian này, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc thường trực chuyện trò với Cụ Phan rất thân thiết. Cụ Phan tỏ ra rất thương yêu quý mến người bạn trẻ Nguyễn Ái Quốc mà Cụ đánh giá là người khá nhất. Các thân sĩ ở ba kỳ đều tới lui viếng thăm, nhưng thân thiết nhất vẫn là Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Sinh Sắc, Huỳnh Thúc Kháng. Đến giờ phút hấp hối Cụ vẫn tỉnh táo, sáng suốt. Đối với bạn bè, Cụ rất thương yêu, thân tình, tìm cách giảm bi luỵ cho mọi người. Cụ nói: "Không sao đâu, chỉ thỉnh thoảng đau một ít thôi. Rồi đây tôi sẽ về Trung phần thăm cụ Sào Nam để bàn định công việc". Nhưng chưa kịp thực hiện dự định thì Cụ đã tạ thế hồi 21 giờ ngày 24-3-1926, thọ 54 tuổi.

Lễ tang của Cụ đã được chuẩn bị chu đáo theo tinh thần một quốc tang, vừa để tri ân xứng đáng với tầm vóc của Cụ, vừa để khẳng định ý chí dân tộc và tinh thần cách mạng, vừa là để huy động "Chấn dân khí yêu nước, nâng cao dân trí, chống thực dân Pháp rộng khắp". Hội đồng tang lễ Cụ Phan đã ra một Lời đạt gửi đồng bào cả nước để chỉ đạo tổ chức lễ tang, đánh giá Cụ Phan là "một vị ái quốc anh hùng", là người thứ nhất mở đường cải cách chính trị cho quốc dân, người có nhân cách cao thượng, khí tiết hào hùng, người sẽ đứng hàng đầu trong phục hưng sử của Việt Nam ta, và kêu gọi toàn quốc lễ tang, làm lễ truy điệu và cử người về tham dự lễ tại Sài Gòn. Lễ viếng được tổ chức trong 10 ngày, các đoàn đại biểu, cá nhân ở khắp nơi đến phúng viếng không ngớt. Khi lễ đưa tang được cử hành, các trường học, tiệm buôn, công xưởng đều đóng cửa, công chức ủng hộ đi đưa tang, cuộc đưa tang đông chưa từng có, hơn 10 vạn người hàng ngũ chỉnh tề đeo băng tang mang vòng hoa, trướng, liễu... đi qua nhiều đường phố đến nghĩa địa Gò Công thuộc làng Tân Sơn Nhất. Trước khí thế hừng hực đó, thực dân Pháp không dám ngăn cản, chúng chỉ tung cảnh sát, mật thám ra giữ trật tự để theo dõi.

Từ thành thị đến nông thôn, từ tỉnh, huyện khắp ba kỳ bà con tấp nập gửi thư, điện đến lễ truy điệu, kể cả một số quan lại cũng có thư, điện viếng. Kiều bào ở nước ngoài cũng làm lễ truy điệu. Riêng ở Quang Nam - Đà Nẵng, lễ truy điệu Cụ rộng lớn, khắp các phủ huyện. Phủ Tam Kỳ là nơi "chôn nhau cắt rốn" của Cụ nên nhân dân các xã kéo về thị trấn Tam Kỳ làm lễ truy điệu rất đông, nhất là thanh niên, học sinh, các nhà yêu nước, các giáo chức, anh em công nhân, nông dân. Tôi còn nhớ cùng đi với ông thân (cùng tham gia tổ chức buổi tang lễ), tôi và bạn bè học sinh quen biết náo nức rủ đồng bào, cả trẻ già, nhiều nơi cả tổng, lý hương đến dự. Ông Đốc Cảnh (đi dự đám tang của Cụ Phan ở Sài Gòn về), báo cáo mọi việc cho bà con nghe và đọc điếu văn trong buổi lễ truy điệu, bà con nghe rất thương tiếc, nhiều người xúc động khóc thảm thiết.

Lễ truy điệu Cụ Phan đã là sự kiện chính trị lớn khơi dậy một phong trào yêu nước rộng lớn trên toàn quốc. Nhiều người, đặc biệt là thanh niên, học sinh đã từ đó mà giác ngộ lòng yêu nước, dấn thân đến với các tổ chức yêu nước và cách mạng, trở thành những lực lượng trung kiên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, và số đông sau này đã trở thành những chiến sĩ cộng sản.



1. Khương Mỹ và Danh Sơn.

2. Nay là tiến sĩ.

Bình luận