Võ Nguyên Giáp - Sự kết hợp giữa quân sự và văn hóa
Thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng góp phần tạo ra thời thế, đó là quy luật của lịch sử. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng - là một minh chứng.
Thực vậy, đối với một bé trai sinh trưởng tại một làng quê hẻo lánh (An Xá), một huyện nghèo (huyện Lệ Thủy) của một tỉnh thuộc vào loại nghèo nhất miền Trung (tỉnh Quảng Bình), lại xuất thân trong một gia đình trung nông, quanh năm không đủ bảo đảm một mức sống trung bình thì con đường đi thông thường là lớn lên đi học, và nếu thông minh học giỏi sẽ đỗ đạt, có bằng cấp để rồi làm thầy giáo dạy học hay công chức trong bộ máy chính quyền thuộc địa lúc đó. Thế nhưng, anh thanh niên sau này đi hoạt động cách mạng với cái tên Văn thân mật - một cái tên phản ánh rất đúng bản chất văn hoá, tính cách nhân văn của con người về sau trở thành một vị tướng lĩnh, một người hành nghề võ - lại may mắn có nhiều điều kiện tốt đẹp góp phần bồi dưỡng nên nhân cách cao quý và tài năng lỗi lạc sau này.
Trước hết, phải kể tới truyền thống gia đình, cụ thân sinh vốn là một nhà Nho dạy học trong vùng. Trong xã hội cũ trước cách mạng, thầy đồ rất có uy tín, thường được nhiều người tin tưởng và noi theo. Cụ thân mẫu là cháu ngoại một vị lãnh binh tham gia phong trào Cần Vương chống xâm lược Pháp hồi cuối thế kỷ XIX theo tiếng gọi của vua Hàm Nghi. Tuổi thơ của anh Văn thấm đượm bao câu chuyện vừa hào hùng, vừa bi thương của nghĩa binh chống Tây, với lời vè “Thất thủ kinh đô” đêm đêm vẫn nghe mẹ kể. Để rồi đến khi vào Huế học tiếp bậc trung học, một cách tự nhiên, anh đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh đòi nhà cầm quyền “ân xá” nhà yêu nước Phan Bội Châu, dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Trên con đường mở rộng đó, anh học sinh họ Võ trường Quốc học Huế cùng các bạn bè đồng chí hướng, như: Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều) bất chấp mọi thủ đoạn theo dõi, o ép của thực dân Pháp và tay sai vẫn hăng hái hoạt động, lập câu lạc bộ thơ văn yêu nước, bí mật chuyền tay nhau đọc các sách báo từ Pháp gửi về như Người cùng khổ, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp, vận động học sinh ngày chủ nhật hằng tuần đến nhà cụ Phan Bội Châu ở đầu dốc Bến Ngự để nghe nhà yêu nước nói chuyện. Và tại nhà thầy giáo yêu nước tiến bộ Võ Liêm Sơn, lần đầu tiên anh được đọc tác phẩm chủ nghĩa Mác bằng tiếng Pháp. Với những hoạt động tích cực đó, năm 1929 ông đã tham gia cải tổ Tân Việt cách mạng đảng thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, một trong ba tổ chức cộng sản tham gia Hội nghị hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2 năm 1930). Sau đó bị thực dân Pháp bắt giam một thời gian, đến lúc được tự do, ông ra Hà Nội vừa hoạt động báo chí, vừa dạy học. Dạy môn lịch sử ở trường trung học vào thời kỳ đất nước còn trong vòng đô hộ của thực dân Pháp, thầy giáo Võ Nguyên Giáp vẫn kín đáo giáo dục cho học sinh, thông qua các bài giảng, tư tưởng yêu nước thương nòi, tinh thần độc lập, dân chủ, tự do của cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789. Rồi đến giữa năm 1940, cùng Phạm Văn Đồng, ông bí mật lên đường sang Trung Quốc.
Chuyến xuất ngoại lịch sử đó mở đường phát triển tài năng cách mạng của người thanh niên trí thức họ Võ. Ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại công viên Thúy Hồ (Côn Minh) với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp vui mừng được gặp người bấy lâu hằng mong đợi, từ nay sẽ hoàn toàn gắn bó suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng do Người lãnh đạo.
Và một điều kỳ lạ đã xảy ra, Bác Hồ đã tin tưởng giao cho đồng chí Văn phụ trách công tác quân sự. Quyết định vô cùng chính xác này đã định hướng cho một cuộc đời với bao chiến công rực rỡ trong chiến thắng chung của toàn dân tộc. Từ những nhiệm vụ đầu tiên như phụ trách Ban xung phong Nam tiến, dùng hoạt động tuyên truyền vũ trang mở đường liên lạc giữa miền núi với đồng bằng Bắc Bộ (1942), thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (12-1944), Ủy viên quân sự cách mạng Bắc Kỳ, Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất mang tên Việt Nam giải phóng quân
(8-1945), rồi trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh trực tiếp chỉ huy các chiến dịch Biên giới (1950), Điện Biên Phủ (1954), và cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương theo dõi, chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh (1975)..., đó là những bước phát triển đi lên vững chãi của một tài năng lớn về quân sự. Ngày 28-5-1948, trong lễ phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp tổ chức dưới tán cây rừng chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ xúc động nhân danh Chủ tịch nước trao tặng chức vụ Đại tướng “để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà quốc dân phó thác cho”.
Lịch sử đã chứng minh rằng lời hứa hơn 50 năm trước đến nay đã trở thành hiện thực. Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà không đề cập tới hoạt động văn hoá của ông sẽ là một sự thiếu sót lớn, sự nghiệp quân sự của ông gắn liền với sự nghiệp văn hóa. Các luận văn quân sự như Chiến tranh giải phóng và quân đội nhân dân - Ba giai đoạn chiến lược, Điện Biên Phủ, Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là các hồi ký Những chặng đường lịch sử, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây... được công bố thời gian gần đây đều là những đóng góp về giá trị lý luận quân sự cũng như về giá trị văn học. Đồng thời, ông còn dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết vào việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sâu sắc tình cảm gắn bó của ông với Bác Hồ, với tư cách là một lãnh tụ, một người thầy, một đồng chí. Lần lượt các công trình giá trị nối tiếp nhau ra mắt bạn đọc: Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi, Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Noi gương Bác Hồ, ông đã rèn luyện cho mình một đức tính khiêm tốn, thực sự chân thành, từ trong bản chất con người, không nói về mình, biết rõ mình và biết rõ người, luôn luôn chú ý lắng nghe và học tập nhân dân. Với nụ cười hiền hậu, ông luôn luôn bình dị, ân cần với mọi người xung quanh. Cho nên, không gì lạ khi ông được binh lính, đồng đội yêu mến, coi như là “Người anh cả”, mà đông đảo nhân dân trong nước và bạn bè khắp năm châu đều một lòng tin tưởng và ngưỡng mộ. Cụ Hoàng Đạo Thúy, trước kia là Cục trưởng, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Điện Biên Phủ, từng làm việc bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc sinh thời có kể lại cho bạn bè nhiều kỷ niệm của ông với Đại tướng. Như khi có người thắc mắc vì sao Đại tướng không làm rõ một số chuyện người khác gán ghép cho ông thì ông đã tươi cười trả lời: “Sẽ nói!”. Kể đến đây cụ Thúy hạ một câu: “Có lẽ ở ông Tướng này bài học lớn là bài học về chữ Nhẫn!”. Tất nhiên chữ “Nhẫn” ở đây không có nghĩa là thụ động, thủ tiêu đấu tranh, mà là chờ đúng lúc và chọn đúng cách để nói. Cũng chính cụ Thúy, trước khi mất đã nói ra một sự thật lịch sử: “Người nói không phải là chính ông Văn, mà là lịch sử nói đấy!”. Võ Đại tướng cũng đã dần dần nói lên sự thật lịch sử qua các hồi ký của ông. Nhưng rõ ràng, đó cũng là trách nhiệm của các nhà sử học khi có điều kiện và cơ hội.
GS. Đinh Xuân Lâm
(Trích trong sách Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010).
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực