Xây dựng, phát triển văn hóa nguồn lực nội sinh của phát triển: một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Ngày đăng: 15/01/2015 - 09:01

Công cuộc đổi mới đất nước đã trải qua gần 30 năm. Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đến nay đã hơn 15 năm. Thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa ở nước ta đang xuất hiện nhiều vấn đề cần được nhận thức và giải quyết. Để có cơ sở đề xuất phương hướng, giải pháp tiếp tục phát triển nền văn hóa đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển chiến lược mới, cần thiết phải rà soát lại nhận thức lý luận, đánh giá quá trình triển khai xây dựng văn hóa trong tiến trình đổi mới, trực tiếp là 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa.

van hoa suc manh noi sinh3Ảnh minh họa

Bài viết này bước đầu nghiên cứu theo định hướng đó. Nói là bước đầu với hàm ý, chuyên đề chưa đi sâu nghiên cứu toàn diện, cụ thể các vấn đề, mà giới hạn phạm vi nghiên cứu trong việc phân tích tổng quát một số vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến quan điểm mấu chốt: văn hóa - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển[1]. Bài viết tập trung vào ba nội dung chính sau:

- Nhận thức về văn hóa - nguồn lực nội sinh của phát triển;

- Đánh giá mức độ thẩm thấu của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội;

- Một số vấn đề mới đặt ra cần nhận thức và giải quyết.

1. Nhận thức về văn hóa - nguồn lực nội sinh của phát triển

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng lĩnh vực xây dựng, phát triển văn hóa. Đảng đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng để định hướng, lãnh đạo lĩnh vực đặc biệt quan trọng này. Sau hơn 10 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, tháng 7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã thông qua Nghị quyết “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”[2] - Nghị quyết này được giới nghiên cứu văn hóa đánh giá là cương lĩnh phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới. Nội dung Nghị quyết rất phong phú với nhiều quan điểm, luận điểm, định hướng mang tính khoa học và tầm nhìn xa của Đảng, nổi bật là luận điểm phải làm cho văn hóa “biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”.

Luận điểm sâu sắc này được thể hiện trong phương hướng, quan điểm và những định hướng nhiệm vụ trình bày trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và tiếp tục được hoàn thiện trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI của Đảng và nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị các khóa[3]. Nội hàm của luận điểm rất rộng, song cơ bản nhất, tiếp cận từ các văn kiện của Đảng, có thể khái quát những nội dung chính sau:

Thứ nhất, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, kết gắn chặt chẽ phát triển kinh tế, xã hội với phát triển văn hóa. Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế, đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Xã hội là môi trường nuôi dưỡng, phát triển văn hóa. Các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương; phải là chất kết dính, điều tiết, lành mạnh hóa quan hệ cộng đồng, xã hội, thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội.

Thứ ba, gắn kết, thực hiện đồng bộ ba nhiệm vụ chiến lược: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Đánh giá sự phát triển, tầm vóc và ảnh hưởng của văn hóa phải căn cứ vào những nội dung cốt lõi này.

Ảnh minh họa

Trong gần 30 năm đổi mới, đặc biệt là qua hơn 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, nói chung, về quan điểm “văn hóa là nguồn lực nội sinh của phát triển” đã được nâng lên một bước. Một số cấp ủy đảng, chính quyền đã bước đầu nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Nhiệm vụ xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức trong Đảng và toàn xã hội; đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuống cấp, suy thoái về văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc, phấn đấu sáng tạo những giá trị văn hóa mới... từng bước trở thành nhận thức và mối quan tâm chung của toàn xã hội. Nhận thức đó đã bước đầu được chuyển hóa thành các phong trào xã hội mang đậm tính nhân văn, thành những hoạt động cụ thể trong lãnh đạo, quản lý, sản xuất, kinh doanh, học tập, sáng tạo, góp phần mở rộng, nâng cao nguồn lực nội sinh của đất nước, dân tộc, của con người Việt Nam. Chính việc khơi nguồn, mở mạch nguồn lực nội sinh đó là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành quả của quá trình đổi mới.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và khảo sát thực tiễn, có thể thấy một thực trạng, trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, ở những mức độ khác nhau, quan điểm “văn hóa - nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển” chưa được nhận thức đầy đủ, sâu sắc. Có thể phân loại mấy cấp độ nhận thức về quan điểm này như sau:

- Phần lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cho rằng, văn hóa là phạm trù đời sống tinh thần, bao gồm những giá trị tư tưởng, đạo đức, hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí - một lĩnh vực có thể làm lâu dài, từng bước, chưa phải là công việc cần kíp. Đa số chưa hiểu sâu sắc sự cần thiết và nội dung phải làm để văn hóa thấm sâu vào mọi mặt, mọi hoạt động của đời sống xã hội, trở thành động lực bên trong của phát triển, thành nhân tố có ý nghĩa nền tảng bảo đảm phát triển bền vững; chưa hiểu rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; do vậy trong lãnh đạo, quản lý thường tách rời văn hóa với các lĩnh vực hoạt động khác. Nhận thức này dẫn đến hệ lụy là nhiều cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng tầm và thường xuyên đến nhiệm vụ phát triển, quản lý văn hóa.

- Một bộ phận cán bộ, đảng viên đồng nhất một cách giản đơn văn hóa với những lĩnh vực hoạt động văn hóa cụ thể như: bảo tồn, bảo tàng; thư viện; tuyên truyền, quảng bá văn hóa; sáng tác, biểu diễn văn học - nghệ thuật... Nhận thức này dẫn đến cách nhìn nhận văn hóa là một ngành, một lĩnh vực hoạt động, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng, chuyên môn.

- Đa số nhân dân nhận thức văn hóa là những lĩnh vực, những hoạt động vui chơi, giải trí; chưa hiểu rõ tầm cao, chiều sâu, ý nghĩa quan trọng của văn hóa đối với đời sống gia đình, cộng đồng, xã hội. Vì lẽ đó, chưa quan tâm đầy đủ đến việc giữ gìn, phát huy, sáng tạo các giá trị văn hóa và có phần đơn giản, dễ dãi, thậm chí tùy tiện trong ứng xử văn hóa, hưởng thụ văn hóa.

Bên cạnh những hạn chế về nhận thức nói trên, còn có những bất cập về trình độ hiểu biết văn hóa, kinh nghiệm quản lý văn hóa và cả sự xuống cấp, tha hóa về văn hóa của đội ngũ cán bộ, quản lý; trình độ, năng lực thực hành, thụ hưởng văn hóa của nhân dân và tác động nhiều chiều, rất phức tạp của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Đó chính là những nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những yếu kém, khuyết điểm trong phát triển, quản lý văn hóa, gây nhiều bức xúc trong xã hội.

dtv-van hoa suc manh noi sinh1Ảnh minh họa

2. Bước đầu đánh giá mức độ thẩm thấu của văn hóa trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội

Muốn đánh giá văn hóa đã trở thành nguồn lực nội sinh của phát triển như thế nào, trước hết và quan trọng nhất phải đánh giá mức độ thẩm thấu và ảnh hưởng, tác động của văn hóa đến các mặt, các lĩnh vực, các hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là chính trị, kinh tế, xã hội. Cần thiết phải sử dụng các phương pháp định lượng để có thể đo đếm được tương đối xác thực nội dung này. Mặt khác, cần khảo sát thực tiễn, lắng nghe, tập hợp, chắt lọc ý kiến của công luận, của các diễn đàn quan phương, phi quan phương để có thể nhận diện một cách cơ bản mức độ thẩm thấu của văn hóa trong đời sống xã hội hiện nay.

a) Văn hóa trong đời sống chính trị

Từ rất sớm, Đảng đã nhận thức được sự cần thiết phải gắn kết phát triển văn hóa với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa trong các tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể nhân dân, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Lấy sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên trong bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo xã hội, xây dựng văn hóa nói chung và thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói riêng. Theo chủ trương này, Đảng đã phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động lớn mang ý nghĩa chính trị - văn hóa sâu sắc như: xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ... Thông qua các hoạt động thực tiễn, văn hóa đã từng bước thâm nhập vào đời sống chính trị, hoạt động chính trị; bước đầu hình thành văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, văn hóa công vụ... Những kết quả này, ở chừng mực nhất định, đã trở thành nguồn lực nội sinh, góp phần quan trọng giữ vững vai trò lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; bảo đảm ổn định chính trị, xã hội.

Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của văn hóa vào đời sống chính trị, hoạt động chính trị còn nhiều hạn chế. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy nhà nước chưa được triển khai tích cực, nhiều nơi còn hình thức, thậm chí xem nhẹ. Văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý, công vụ chưa đậm nét; không ít cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nêu được tấm gương văn hóa đối với nhân dân. Nguồn lực văn hóa chưa đến độ chuyển hóa thành sức mạnh nội sinh đủ mạnh để có thể ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực và sự tha hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, vô trách nhiệm... trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả cấp cao, đang làm vẩn đục môi trường chính trị, hạn chế sức mạnh lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân.

b) Văn hóa trong đời sống kinh tế

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm đổi mới công nghệ, quy trình và dây chuyền sản xuất; cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Không ít doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã chú trọng đổi mới phương thức, phương pháp quản lý, quản trị theo tiêu chuẩn ISO; quan tâm xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn minh thương mại... Những cố gắng đó, ở chừng mực nhất định, đã mở đường để văn hóa thâm nhập vào đời sống kinh tế, góp phần tạo nên sự tăng trưởng kinh tế trong những năm đổi mới.

Tuy nhiên, nhìn một cách toàn diện, phân tích sâu các lĩnh vực kinh tế sẽ thấy khá rõ một thực tế là văn hóa chưa thẩm thấu được bao nhiêu trong đời sống và hoạt động kinh tế. Điều này được thể hiện cụ thể ở các mặt như:

- Chủ trương xây dựng chính sách kinh tế trong văn hoá, chính sách văn hóa trong kinh tế, chính sách xã hội hoá... chậm được cụ thể hóa một cách đồng bộ, chính xác, chưa trở thành cầu nối gắn kết văn hóa với kinh tế.

- Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chưa trở thành nhận thức tự giác, hoạt động thường xuyên của các doanh nghiệp. Nhìn chung, trong phần lớn doanh nghiệp nước ta, thiết bị, quy trình công nghệ còn lạc hậu; mô hình tổ chức, quản lý, quản trị chưa hợp lý, thiếu hiệu quả; nguồn nhân lực chủ yếu vẫn là lao động thủ công; hàm lượng chất xám trong các sản phẩm hàng hóa thấp.

- Thị trường các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tuy đã hình thành, song vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, còn mang nhiều yếu tố tự phát; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm văn hoá, dịch vụ văn hóa đa phần còn nhỏ bé, hoạt động khó khăn, nguồn lực hạn chế, sức cạnh tranh thấp. Các sản phẩm văn hóa nhiều nhưng ít các sản phẩm có giá trị hay giá trị sử dụng cao. Việc xây dựng ngành kinh tế văn hoá, công nghiệp văn hóa vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.

- Văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, văn hóa lao động, văn minh thương mại, văn hóa du lịch... phần lớn mới dừng lại ở các cuộc hội thảo, các chương trình, đề án, chưa thực sự đi vào đời sống. Văn hóa chưa đủ sức vun trồng, bồi đắp những nhân tố mới, những giá trị mới để ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố tiêu cực, độc hại trong đời sống, hoạt động kinh tế. Tình trạng làm ăn chụp giật, móc ngoặc, lừa đảo; nạn buôn lậu, làm ăn phi pháp, trốn thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại, tệ tham nhũng, lãng phí... đang làm tiêu phí nguồn lực phát triển kinh tế, gây nên những bức xúc trong xã hội hằng ngày.

- Nhìn chung, kinh tế chưa làm tốt vai trò tạo tiền đề, điều kiện vật chất để phát triển văn hoá; trên thực tế, không ít trường hợp, ở nhiều nơi đã diễn ra tình trạng hy sinh văn hóa vì kinh tế. Một số dự án kinh tế đã xâm hại các di sản, công trình văn hoá, phá vỡ không gian, môi trường văn hoá.

Những yếu kém, khuyết điểm nêu trên cho thấy sự phân cách, thiếu kết gắn giữa kinh tế với văn hoá, văn hóa với kinh tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là nguyên nhân sâu xa làm cho nền kinh tế nước ta tuy có tăng trưởng, nhưng phát triển thiếu bền vững, chất lượng và sức cạnh tranh thấp; nền văn hóa nước ta phát triển thiếu chiều sâu, sức lan toả còn hạn hẹp.

c) Văn hóa trong đời sống xã hội

Trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đều khẳng định phát triển văn hóa phải hài hoà với phát triển xã hội; văn hóa phải hướng tới mục tiêu xây dựng, truyền bá hệ giá trị dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện theo những chuẩn mực chân - thiện - mỹ... Những năm đổi mới, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đến nay, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân đã phát động, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân cả nước triển khai nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động mang tính văn hóa - xã hội. Nổi bật là phong trào “Người tốt, việc tốt”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với nhiều nội dung, hình thức phù hợp với từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi (xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, thôn ấp, bản, làng văn hoá; cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp văn hoá); phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xoá đói, giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Từ trong các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, có sức lan tỏa. Những hoạt động thấm đậm tính nhân văn đó đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; từng bước đưa văn hóa vào đời sống xã hội, bước đầu trở thành chất keo kết dính cộng đồng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Tuy vậy, sự thẩm thấu của văn hóa vào đời sống, hoạt động xã hội vẫn chưa đồng bộ, thiếu chiều sâu, tính bền vững nên chưa đủ độ tạo nên những chuyển biến sâu sắc. Tính chất này được thể hiện trên các mặt như:

- Các phong trào, các cuộc vận động văn hóa - xã hội được triển khai chưa đồng đều, nhiều nơi còn hình thức, chạy theo thành tích, do vậy hiệu quả không cao.

- Nhiệm vụ xây dựng con người, bồi dưỡng thế hệ trẻ được nhấn mạnh trong các nghị quyết của Đảng như là nhiệm vụ trung tâm, song trên thực tế chưa được quan tâm đúng tầm mức. Nhà trường, gia đình, xã hội chưa dành sự ưu tiên, chăm lo hàng đầu cho việc xây dựng con người về đời sống văn hóa tinh thần cũng như cơ hội phát triển trong một môi trường văn hóa lành mạnh. Trình độ văn hóa, mức hưởng thụ văn hóa của một bộ phận không nhỏ người lao động (công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...) còn thấp, có nơi còn rất thấp; điều kiện phát triển vô cùng khó khăn. Sự thẩm thấu, sức lan toả của văn hóa đối với con người, với cộng đồng chưa đủ rộng - sâu - bền - đều nên chưa tạo được sự chuyển biến về chất về dân trí, dân khí, dân sinh để chuyển hóa thành nguồn lực, sức mạnh nội sinh mới của dân tộc.

Xét cả từ bình diện nghiên cứu lý thuyết đến hoạt động thực tiễn, có thể nói chưa đủ chín để hình thành một hệ giá trị của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh, thời đại cách mạng và đổi mới. Chính sự chậm trễ này và những yếu kém trong xây dựng, quản lý văn hoá, xã hội đã tạo thành sơ hở để những mặt trái, tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế xâm nhập, tấn công dữ dội vào con người, gia đình, cộng đồng, gây nên những hệ lụy nặng nề. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chúng ta đang khủng hoảng hệ giá trị mà biểu hiện phổ biến, hằng ngày là sự thiếu thống nhất, lệch lạc về tư tưởng, về thế giới quan, nhân sinh quan; sự lệch chuẩn, xuống cấp về đạo đức, lối sống; sự rạn nứt trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng. Những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc: trọng tình thương, lẽ phải, đức hy sinh, thuỷ chung, vị tha, cần cù... có nguy cơ bị xói mòn. Tình trạng bạo lực, tội phạm, lối sống thực dụng, buông thả, vị kỷ, giả dối, vô cảm... đang là những nguy cơ đáng báo động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đến việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Khái quát lại, tuy đã có những bước tiến bộ mới, song xây dựng, phát triển văn hoá, cả về nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn, còn nhiều yếu kém, bất cập. Văn hóa chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển.

Ảnh minh họa

3. Một số vấn đề mới về lý luận và thực tiễn đang đặt ra cần nhận thức và giải quyết

a) Về nhận thức lý luận

Trong gần 30 năm khởi xướng, lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng đã xây dựng, từng bước hoàn thiện quan điểm, chủ trương phát triển văn hoá. Nghiên cứu kỹ các văn kiện Đảng về văn hoá, có thể thấy sự sáng tạo, độc đáo, tính cách mạng và khoa học trong tư duy lý luận. Tuy vậy, hơn 15 năm qua, sau Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá, một số nhận thức mới chưa được hệ thống lại, bổ sung và phát triển; một số động thái thực tiễn mới nảy sinh chưa được nghiên cứu, lý giải kịp thời, do vậy về nhận thức lý luận còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Có mấy vấn đề đang đặt ra, đó là:

Thứ nhất, cần hoàn thiện quan điểm “văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội”. Quan điểm này đúng nhưng chưa đủ, dễ dẫn đến nhận thức phiến diện về vai trò của văn hoá, tách rời văn hóa khỏi kinh tế; có nhà nghiên cứu cho rằng, quan điểm này có màu sắc duy tâm chủ nghĩa hoặc sa vào nhị nguyên luận[4]. Điều đáng nói là quan điểm này không tương thích với quan điểm xem văn hóa là “nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển”, văn hóa phải thấm sâu vào mọi mặt, mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, pháp luật... để trở thành động lực bên trong của phát triển. Như vậy, văn hóa cần được hiểu không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là nền tảng về vật chất, do đó nên chăng điều chỉnh quan điểm này thành: “văn hóa - nền tảng của phát triển”.

Thứ hai, trong Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) có sự không đồng nhất trong sử dụng khái niệm. Tiêu đề Nghị quyết là “xây dựng và phát triển nền văn hóa”, nhưng nội dung Nghị quyết chỉ trình bày xây dựng, phát triển “văn hóa”. Khái niệm “nền văn hóa” chưa được xác định rõ, do vậy những nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết chưa đầy đủ, thiên về xây dựng đời sống tinh thần và triển khai công việc của ngành văn hóa, thông tin. Đây là một khoảng trống về nhận thức lý luận, cần nghiên cứu để đưa ra nhận thức hoàn chỉnh về cấu trúc, nội hàm “nền văn hóa”, luận giải thấu đáo các thành tố tinh thần và vật chất cấu thành nền văn hóa, đặc biệt là các thành tố chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội (nhận thức này còn chưa rõ ràng, đầy đủ, dẫn đến tình trạng lúng túng trong triển khai thực hiện).

Thứ ba, sau Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, Đảng đã có thêm những nhận thức mới, rất sâu sắc, nổi bật là:

+ “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước”[5]. Luận điểm này thể hiện nhận thức mới của Đảng về phát triển bền vững - lâu nay, phát triển bền vững vẫn được hiểu là sự giải quyết hài hòa ba nhân tố kinh tế - xã hội - môi trường.

+ “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và chính sách phát triển là thể hiện rõ nhất tính ưu việt của chế độ ta”[6]. Đây là sự giải đáp và khẳng định ngắn gọn, rõ ràng nhất về tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội - câu hỏi khá phổ biến của cán bộ, đảng viên và nhân dân lâu nay.

Những luận điểm nói trên cần được chắt lọc, hoàn chỉnh để bổ sung vào hệ quan điểm chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển văn hóa trong thời kỳ phát triển mới.

Thứ tư, cần hoàn thiện đường lối chiến lược phát triển đất nước theo hướng bổ sung nội dung phát triển xã hội cùng với phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, nâng cao văn hóa như là bốn trụ cột phát triển bền vững (hiện nay, trong đường lối chiến lược của Đảng xác định ba trụ cột: kinh tế, xây dựng Đảng, văn hóa). Cũng cần luận giải rõ ràng, đầy đủ hơn những khái niệm rất căn bản: văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, chính sách kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế...

b) Về hoạt động thực tiễn

Thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa đang đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó quan trọng bậc nhất là nâng cao phẩm chất, năng lực văn hóa của các chủ thể sáng tạo văn hóa.

Trước hết, để phát huy vai trò có ý nghĩa quyết định của Đảng và hệ thống chính trị trong phát triển, xây dựng văn hoá, cần phát động và triển khai sâu rộng, nghiêm túc phong trào xây dựng Đảng học tập, Nhà nước học tập, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội học tập làm nòng cốt xây dựng xã hội học tập; xây dựng văn hóa chính trị, trọng tâm là xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách làm cơ sở pháp lý để gắn kết chặt chẽ văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội trong các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án, dự án phát triển.

Thứ ba, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý văn hóa của đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ tư, thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nghị quyết của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, nhà báo... nhằm động viên, khích lệ, phát huy đến mức cao nhất tâm huyết, trí tuệ, tài năng sáng tạo của lực lượng quan trọng này trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa nói riêng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Thứ năm, chăm lo nâng cao dân trí, dân khí, dân sinh, bồi dưỡng năng lực làm chủ, năng lực sáng tạo và trình độ hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Những công việc nói trên phải được tiến hành đồng bộ theo một chiến lược phát triển tổng thể gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc. Toàn bộ quá trình này đều hướng vào hai mục tiêu hàng đầu: phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

GS, TS. PHÙNG HỮU PHÚ

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài trích trong sách "Văn hóa sức mạnh nội sinh", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1-2015


 

 



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.

[2]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Sđd.

[3]. Văn kiện Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006), Đại hội XI (2011) của Đảng; Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới...

[4]. Lê Quý Đức: “Những giải pháp xây dựng nền văn hoá dân tộc sau giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII)” tại Hội thảo khoa học do Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tổ chức tháng 5-2013.

[5]. Kết luận số 30-KL/TW ngày 20-7-2004 Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.40.

 

 

 

 

Bình luận