Xuất bản trong thời đại 4.0: Nhận diện thách thức, dự báo xu thế, nắm bắt cơ hội
Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thực tế hiện hữu đang rất được quan tâm hiện nay. Nhắc đến cuộc cách mạng này, chúng ta thường hình dung tới những đặc trưng cơ bản của nó như trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật qua internet, sự liên kết giữa thế giới thực và ảo, công nghệ robot… Mặc dù cho đến nay, Cách mạng 4.0 mới đang ở giai đoạn khởi đầu và chúng ta vẫn chưa hình dung được một cách đầy đủ, toàn diện về tốc độ và phạm vi của nó, nhưng ở góc độ nhất định, có thể khẳng định, xuất bản sẽ là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc nhất từ cuộc cách mạng này. Trước thực tế đó, phân tích ảnh hưởng, tác động, nhận diện thách thức, từ đó dự báo những xu hướng phát triển, đưa ra những giải pháp, phương án điều chỉnh phù hợp nhằm thích nghi, nắm bắt những cơ hội do Cách mạng 4.0 mang lại, là một yêu cầu cần thiết hiện nay.
Xuất bản trong thời đại 4.0: Nhận diện thách thức, dự báo xu thế, nắm bắt cơ hội. Ảnh minh họa
Những thách thức đến từ làn sóng mang tên "Cách mạng 4.0"
Cách mạng 4.0 được dự báo sẽ tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ “ngành công nghiệp tri thức”, từ cách các nhà xuất bản tiếp cận thị trường, quy trình xuất bản, cách thức xuất bản, phương thức đọc, tiếp nhận từ phía độc giả, vấn đề bản quyền cho tới cách thức quản lý xuất bản, văn hóa xuất bản.
- Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa tác giả - nhà xuất bản - độc giả
Trong thời đại 4.0, phương thức đọc của con người có nhiều thay đổi, ngày càng hướng tới phục vụ nhu cầu của cá nhân, đọc để hưởng thụ và giải trí, thư giãn. Độc giả đã không còn bị động tiếp nhận thông tin, tri thức như trước đây nữa, ngược lại, họ đã trở thành nhân tố đóng vai trò trung tâm, hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn phương thức tiếp nhận thông tin, tri thức. Do đó, tác giả và nhà xuất bản đã mất đi vai trò trung tâm như trong thời đại của xuất bản truyền thống. Khi đó, nhà xuất bản phải lấy việc đáp ứng nhu cầu của độc giả làm mục tiêu cho sự tồn tại và phát triển cũng như tiêu chí đánh giá sự thành công của mình. Các tác giả và nhà xuất bản phải xem xét, nghiên cứu nhu cầu, sở thích, hứng thú của độc giả, tìm cách để thu hút, làm hài lòng độc giả.
- Xuất bản số, truyền thông số phá vỡ mọi giới hạn của xuất bản truyền thống
Sự giới hạn về không gian và thời gian chính là điểm hạn chế của xuất bản truyền thống. Sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của xuất bản, truyền thông số đã khiến cho không gian lưu trữ thông tin, tốc độ chia sẻ, lan tỏa thông tin trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Thông tin đa dạng, phong phú, cập nhật tức thời, hệ thống hóa, tiện sử dụng, dễ tra cứu và miễn phí là phương diện chiếm ưu thế tuyệt đối của các loại hình truyền thông hiện đại so với sách giấy. Chỉ với một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, độc giả có thể đọc sách, đọc báo, lướt web hay tra cứu thông tin một cách dễ dàng, từ bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào.
- Giá thành cực thấp hoặc miễn phí
Việc không tốn chi phí in ấn, chi phí lưu thông xuất bản phẩm, chi phí lưu kho… tạo ra những lợi thế đáng kể về giá thành của xuất bản phẩm điện tử so với sách in truyền thống. Các phần mềm quản trị giúp cho các đơn vị xuất bản thực hiện các nghiệp vụ từ kế toán, bán hàng, quản lý nhân sự… giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Không những thế, thói quen tiếp nhận miễn phí nguồn tài nguyên nội dung trên mạng hiện nay đã trở nên hết sức phổ biến, khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều và thực tế là nhiều nhà cung cấp nội dung thậm chí đã chuyển đổi các xuất bản phẩm thu phí trước đó thành xuất bản phẩm miễn phí.
- Vai trò nòng cốt của nhà xuất bản bị lung lay
Trong bối cảnh của thời đại 4.0, các kênh truyền thông trở nên vô cùng đa dạng, cho phép tác giả - độc giả có thể tự kết nối với nhau mà không cần thông qua vai trò của nhà xuất bản/người làm công tác xuất bản. Các tác giả hoàn toàn có thể tự xuất bản tác phẩm của mình trên mạng internet cũng như độc giả hoàn toàn có thể tự tìm đến các tác giả, tác phẩm mà mình cần. Điều này làm thay đổi cục diện của xuất bản truyền thống vốn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các nhà xuất bản trước đây.
Những xu thế phát triển của xuất bản trong thời đại 4.0
Với những tác động, ảnh hưởng và thách thức được hình thành khi Cách mạng 4.0 “tiệm cận” với ngành xuất bản, chắc chắn rằng nền xuất bản trong tương lai sẽ có những thay đổi, chuyển dịch lớn. Có thể chỉ ra một số xu thế cơ bản như:
- Giản hóa quy trình xuất bản
Quy trình xuất bản truyền thống bao gồm một chuỗi các quy trình nghiệp vụ mang tính hệ thống, có mối liên hệ chặt chẽ và ảnh hưởng, ràng buộc lẫn nhau, được thực hiện trong một khoảng thời gian tương đối dài. Sự phát triển của kỹ thuật truyền thông số tạo nên những ảnh hưởng cơ bản, mạnh mẽ tới tất cả các khâu trong quy trình xuất bản truyền thống, từ việc lên kế hoạch, lựa chọn đề tài, thẩm định bản thảo, biên tập, gia công kỹ mỹ thuật, in ấn, phát hành cho tới tiếp nhận phản hồi của độc giả. Xuất bản số cho phép tối giản hóa các khâu như chế bản, in ấn, phát hành; giúp một số khâu được thực hiện thuận lợi hơn, thu hẹp thời gian thực hiện như lựa chọn đề tài, gia công biên tập, thu thập thông tin theo chủ đề…
- Kết hợp các loại hình xuất bản phẩm
Ngày nay, việc chuyển tải nội dung thông tin, tri thức không chỉ được thể hiện bằng chữ viết, mà nó cần phải được biểu đạt bằng những hình thức sống động, có chiều sâu hơn như hình ảnh, âm thanh, video nhằm tác động đến các giác quan của con người gồm thị giác, thính giác, xúc giác. Điều này được hiện thực hóa bởi xuất bản điện tử với sự ra đời của những ấn phẩm có tính chất hỗn hợp.
Trong xuất bản điện tử, phần lớn nội dung xuất bản hiện nay được thực hiện trên cơ sở số hóa các xuất bản phẩm truyền thống. Các nhà xuất bản truyền thống vẫn là chủ thể của xuất bản sách điện tử. Do vậy, xuất bản sách điện tử cùng với sách giấy sẽ là xu hướng của hầu hết các nhà xuất bản. Tuy nhiên, sẽ có một số thay đổi, chẳng hạn như bản online của xuất bản phẩm có thể sẽ được xuất bản trước, sau đó mới đến sách giấy. Rất có thể đây sẽ là xu thế xuất bản trong thời gian tới.
- Sự chuyển đổi mô hình xuất bản
Theo phương thức xuất bản truyền thống, các nhà xuất bản cung cấp cho độc giả/khách hàng của mình sản phẩm cụ thể là những xuất bản phẩm hữu hình. Nhưng với sự trỗi dậy của truyền thông số, năng lực lưu trữ, phổ biến, truyền bá thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức trở nên dễ dàng chưa từng thấy, đã khiến cho rất nhiều thông tin, tri thức trở thành tài nguyên sử dụng chung cho nhân loại. Việc tiếp nhận miễn phí nguồn tài nguyên tri thức trên mạng đã trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ độc giả. Điều đó trở thành thách thức lớn, khiến cho các nhà xuất bản phải có sự điều chỉnh, chuyển đổi mô hình xuất bản từ nhà cung cấp nội dung sang nhà cung cấp dịch vụ, không thể chỉ còn tập trung trọng tâm vào xuất bản phẩm, mà phải nhắm tới đối tượng là cá nhân người sử dụng xuất bản phẩm. Lúc đó, các nhà xuất bản cần căn cứ vào nhu cầu của độc giả để đưa ra các dịch vụ dành riêng cho họ và hướng tới phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt độc giả.
Với xu hướng chuyển đổi vai trò từ nhà sản xuất nội dung sang vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, có 3 mô hình hoạt động xuất bản được dự báo sẽ song hành tồn tại là: 1) mô hình truyền thống tập trung vào in ấn, tác phẩm in (dành cho thương hiệu lớn); 2) mô hình kết hợp giữa các phương tiện truyền thông về việc tạo và phân phối nội dung trên các kênh khác nhau (dành cho các tập đoàn nắm giữ bigdata (dữ liệu lớn) và mạng lưới phân phối); 3) mô hình tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0)1.
Những thách thức, cơ hội đến từ làn sóng mang tên "Cách mạng 4.0". Ảnh minh họa
- Sự xuất hiện của mô hình nhà xuất bản hội tụ, liên minh giữa các nhà xuất bản hoặc giữa nhà xuất bản với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật
Nhà xuất bản hội tụ được hiểu là mô hình xuất bản hiện đại trong đó có sự hợp nhất giữa các phòng, ban, bộ phận chuyên môn và lãnh đạo, biên tập viên, chuyên viên cùng làm việc trong một không gian mở. Mô hình nhà xuất bản hội tụ nhằm giúp cho việc tìm kiếm, tập hợp, xử lý và truyền tải nội dung một cách nhanh nhất trong điều kiện có sự cạnh tranh khốc liệt từ mạng xã hội, các kỹ thuật truyền thông số. Bên cạnh đó, trước sự thống trị của các hình thức truyền thông mạng, có thể hình thành liên minh giữa một số nhà xuất bản có quy mô vừa và nhỏ hoặc giữa nhà xuất bản truyền thống với các đơn vị xuất bản số, với các đơn vị cung cấp giải pháp kỹ thuật trong thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá các xuất bản phẩm.
Tận dụng những lợi thế từ kỹ nguyên số hóa
Kỷ nguyên 4.0 với sự đột phá chưa từng có của công nghệ và số hóa, đã và đang đem lại rất nhiều thách thức, khó khăn cho ngành xuất bản, nhưng bên cạnh đó, nó cũng mang lại những cơ hội chưa từng có. Biết tận dụng những cơ hội này, xuất bản truyền thống sẽ không những không bị “xóa sổ”, mà còn trở nên hoàn thiện, chuyên nghiệp hóa hơn rất nhiều. Bởi mặc dù có một số hạn chế nhất định như: dung lượng lớn, cồng kềnh; hay tính thời sự, cập nhật thông tin, tri thức trong sách giấy không cao…, nhưng sách in truyền thống vẫn là loại hình truyền thông đại chúng có nhiều thế mạnh: đăng tải khối lượng tri thức đồ sộ, cơ bản, hệ thống và chuyên sâu về một đề tài; tác động vào thị giác, tình cảm, lý trí của người đọc và có chiều sâu; chế độ tiếp nhận chủ động, thoải mái; tính tư liệu cao và khả năng lưu giữ, lưu truyền tốt… Trong phạm vi bài viết này chủ yếu đưa ra một số gợi ý nhằm giúp đội ngũ biên tập viên - “bà đỡ” của các xuất bản phẩm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, củng cố và giữ vững vai trò, vị trí của mình trong thời đại xuất bản 4.0.
- Phát huy vai trò của biên tập viên thông qua tăng cường năng lực sáng tạo của họ
Trong tương lai, với sự lên ngôi của công nghệ tự động hóa và số hóa, nhiều khâu công việc hiện nay thuộc về biên tập viên sẽ được đảm nhiệm bởi hệ thống máy móc tự động hay những robot thông minh. Hệ thống máy móc có thể được lập trình để rà soát các lỗi morat, thậm chí là biên tập bản thảo theo những quy tắc, form, mẫu nhất định, tra nguồn trích dẫn... Cũng như vậy, khâu chế bản, biên tập kỹ thuật hay đặt số lượng, xin giấy phép xuất bản... chắc chắn sẽ được tự động hóa hoàn toàn. Nhiều người lo lắng vai trò của những người đảm nhiệm công việc “bếp núc” của ngành xuất bản sẽ bị đe dọa. Nhưng điều này khó có thể xảy ra, bởi không máy móc nào có thể thay thế vai trò của biên tập viên trong việc phát hiện, kiểm soát những vấn đề nhạy cảm chính trị, thiếu cơ sở khoa học, những thông tin sai lệch, thổi phồng sự thật, giật gân câu khách... Ngược lại, với việc được giảm tải đi nhiều công việc liên quan đến kỹ thuật, biên tập viên sẽ có cơ hội tập trung sức lực và trí tuệ của mình vào các công việc phát huy được khả năng sáng tạo như: mở rộng năng lực nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu, xu hướng, sở thích của độc giả; chủ động trong việc tìm kiếm, lựa chọn đề tài; tuyên truyền, quảng cáo để thu hút, hình thành một khối lượng độc giả và nhu cầu đối với xuất bản phẩm sắp hoặc đã ra đời; tiếp nhận thông tin phản hồi của độc giả, trao đổi, giao lưu với họ…
- Phát huy vai trò là người hướng dẫn, định hướng văn hóa đọc
Tính đa chiều của truyền thông mạng làm cho mỗi cá nhân đều có thể vừa là người truyền thông tin, vừa là người tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thông tin mở, không giới hạn như vậy cũng mang đến một điểm hạn chế, đó là việc khó kiểm soát, kiểm chứng nội dung giữa “đại dương” thông tin, tri thức khổng lồ với các “luồng” thông tin vô cùng đa dạng, đa chiều. Người đọc sẽ cảm thấy mông lung, hoang mang, không phân biệt được đâu là thông tin thật - giả, tốt - xấu. Trong điều kiện đó, phát huy vai trò người “gác cổng” nhằm kiểm soát, dẫn dắt, giúp người đọc lựa chọn được thông tin, tri thức chuẩn xác, cần thiết và hữu ích là một yêu cầu đặt ra đối với những người làm xuất bản.
- Mỗi người làm xuất bản cần trở thành một nhà truyền thông chuyên nghiệp
Trong thời đại 4.0, biên tập viên không thể tồn tại nếu chỉ lấy công việc biên tập làm cốt yếu, họ cần phải thực sự được chuyên nghiệp hóa, đa năng hóa. Sự lên ngôi của truyền thông số đặt ra yêu cầu trước tiên là họ phải trở thành một nhà truyền thông. Ngày nay, bên cạnh các loại hình truyền thông như truyền hình, phát thanh, mạng internet trở thành một kênh truyền thông vô cùng hiệu quả. Các biên tập viên có thể khai thác hữu hiệu các trang mạng xã hội như Youtube, Facebook, Twitter, Instagram, Flickr, Tumblr… vào việc tuyên truyền, quảng bá xuất bản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, biên tập viên phải có kỹ năng, phương pháp chia sẻ, truyền tải thông tin, đồng thời phải trang bị cho mình những tố chất, yêu cầu của một nhà truyền thông chuyên nghiệp.
GIAO LINH
(Tạp chí Nhịp cầu Trí Thức, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật)
1. http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/129/0/1010070/0/41231/Xuat_ban_voi_cuoc_cach_mang_cong_nghiep_4_0
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023