Đường Bác Hồ đi cứu nước

Ngày đăng: 07/06/2021 - 09:06

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 07/5/2021 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 - 05/6/2021), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn sách Đường Bác Hồ đi cứu nước của GS. TS. Trình Quang Phú tuyển chọn và biên soạn từ nhiều bài báo viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng phương pháp trích, nối từ các tác phẩm theo thời gian cuộc đời hoạt động của Bác, với văn phong hấp dẫn, ngôn từ giản dị, nội dung sâu sắc, những câu chuyện trong cuốn sách được kể lại với tình cảm rất chân thành, sâu sắc, trở thành những kỷ niệm không thể nào quên của chính tác giả và những người trong cuộc. Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị thiết thực để bạn đọc tiếp tục tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Xin trân trọng giới thiệu một trích đoạn trong cuốn sách.

Cuốn sách Đường Bác Hồ đi cứu nước

 

“… Khi quyết tâm ra đi, Bác rủ một người bạn:

- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thật ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?

Người bạn ngạc nhiên sửng sốt hỏi lại Bác:

- Nhưng bạn ơi, chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi?

Bác đã giơ hai bàn tay với lòng tự tin cả quyết:

- Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ?

Trước lòng quyết tâm của Bác, anh bạn đã đồng ý, nhưng sau đó anh không đủ can đảm để thực hiện lời hứa1.

Tháng tư năm 1862, Công ty vận tải đường biển Hoàng gia Pháp Messageries Impériales (viết tắt M.I) bắt đầu hoạt động tuyến đường từ Pháp đi Sài Gòn - Hồng Kông..., trụ sở của công ty ở Sài Gòn bắt đầu xây dựng, đó là ngôi nhà ba tầng nằm ở hữu ngạn Vàm rạch Bến Nghé2, trên nóc có hai con rồng quay đầu vào chầu mặt trăng theo kiểu "Lưỡng long chầu nguyệt". Khoảng năm 1920 hãng M.I đổi thành hãng Messageries Maritimes thì phù hiệu của hãng có hình đầu ngựa, mỏ neo, vương miện, hai bên có hai con rồng chầu, nhưng lại đặt đầu quay ra hai bên, bốn góc có bốn con cá hóa rồng chầu ra bốn hướng theo cung cách đình chùa Việt Nam. Một nhà báo Pháp có viết rằng đó là cách điệu của người Pháp để nói các con tàu ra đi từ xứ Á châu này. Coi mặt đặt tên, nhân dân ta gọi đó là Nhà Rồng. Tên gọi bến Nhà Rồng cũng xuất phát từ đó.

Bên này Vàm rạch Bến Nghé có cột cờ Thủ Ngữ để làm mốc cho tàu buôn ra vào. Cột cờ dựng ở trước sở thuế của cảng Sài Gòn (khi đó còn gọi là Sở Thủ Ngự như tên gọi dưới thời vua Tự Đức). Ngày 15-8-1862, tại Vũng Tàu, khánh thành ngọn hải đăng dẫn đường cho tàu vào cửa Cần Giờ.

Sau khi Công ty M.I vào Sài Gòn thì có thêm một hãng nữa chạy trên đường này. Đó là hãng tàu Chargeurs Résunis mới thành lập chạy đường Pháp và Đông Dương từ năm 1901. Hãng có một đội tàu gồm 7 chiếc. Sáu chiếc tàu lớn chia nhau chạy các tuyến giữa hải cảng Pháp và Đông Dương. Chiếc Chợ Lớn nhỏ hơn, chạy bổ túc quanh năm. Từ Đông Dương đi Pháp có hai nơi khởi hành: từ Hải Phòng ngày 27 mỗi tháng, từ Sài Gòn ngày 5 mỗi tháng. Hãng này có huy hiệu năm ngôi sao nên người Việt Nam thường gọi là hãng Năm Sao3.

Tàu Amiral Latouche Tresville là một trong bảy chiếc tàu của hãng Năm Sao do xưởng đóng tàu La Loire sản xuất ở vùng Saint Nazaire, hạ thủy ngày 21-3-1903, đăng ký tại cảng Le Havre năm 1904. Đây là một trong những tàu cỡ lớn đầu thế kỷ XX, vừa chở người vừa chở hàng. Hãng tàu Nam Sao có bến trong thương cảng Sài Gòn.

Thương cảng Sài Gòn ngày đó dài chừng 600m, nối tiếp với quân cảng kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội bên này rạch Bến Nghé, khi ấy gọi là Quai Fracis Garnier, nay cũng là một phần đường Tôn Đức Thắng.

Thương cảng năm 1911 khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào đầu mối giao thông rất thuận lợi, chỉ dài 600m mà có tới 6 đại lộ châu đầu vào bến. Đó là các đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), Catinat (nay là đường Đồng Khởi), Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), Krantz và Duperré (nay là đường Hàm Nghi). Nhà ga đường sắt đi Mỹ Tho và đi Phan Thiết đặt ở đầu đường Hàm Nghi tiếp cận với thương cảng. Nhà ga tàu hơi (Tram way) cũng ở ngay đầu đường Nguyễn Huệ. Tàu hơi chạy dọc suốt thương cảng và quân cảng, một phía đi Gia Định rồi Hóc Môn, phía kia đi Chợ Lớn. Chợ Bến Thành (cũ) nằm gần đầu đường Nguyễn Huệ. Qua thương cảng, khối lượng chuyên chở hành khách và hàng hóa của cảng ngày càng gia tăng (riêng lúa gạo, năm 1861 xuất khẩu 8 vạn tấn, năm 1891 xuất khẩu 44 vạn tấn, năm 1911 xuất khẩu trên 1 triệu 10 vạn tấn).

Thương cảng Sài Gòn khi ấy có 5 cầu tàu: 3 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Đồng Khởi dành cho các hãng chuyên chở đường sông, một cầu tàu lớn và một cầu tàu nhỏ ở đầu đường Hàm Nghi dành cho hãng tàu người Hoa. Brébion đã mô tả thương cảng Sài Gòn hồi 1911: Trên bến Francis Garnier (nay là Bến Bạch Đằng), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn thuộc hãng Chargeurs Résunis (hãng Nam Sao).

Chúng ta có thể khẳng định bến đậu tàu Amiral Latouche Tresville là cầu tàu lớn của thương cảng Sài Gòn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là một vị trí khang trang và khoảng khoát nhất thành phố: nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố, nhìn sang phía sông thấy ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu - Á pha trộn dễ gây ấn tượng4.

Sau này khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, sau đó là cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam, hãng tàu Năm Sao không hoạt động ở Việt Nam và bến cảng bỏ phế. Các tàu bè ra vào chỉ cập cảng Nhà Rồng là chủ yếu.

Những tháng đầu năm 1911, Bác vẫn tìm đến cảng Nhà Rồng, cảng Sài Gòn để tìm hiểu, làm quen và kiếm việc làm.

Công nhân bến cảng và các nhà máy thời đó thường đi guốc mộc, mặc áo bà ba hoặc áo bành tô bằng vải kaki màu vàng nhạt.

Trong những hãng tàu ra vào đó, Bác làm quen được với một số người Việt Nam làm ở hãng Năm Sao, hãng này chạy Sài Gòn - Đà Nẵng, Hải Phòng và đi Xingapo, Côlômbô, Đoongkét, Boócđô, Mácxây, Lơ Havrơ, Po Xaít, Gibuti. Hai người "bồi" Việt Nam mà Bác Hồ quen là Nguyễn Văn Hùm và Bùi Văn Viên. Hai ông này cho Bác biết là hãng đang tuyển "bồi", Bác và mấy người Việt Nam nữa xuống xin việc.

Trưa ngày 2-6-1911, chiếc tàu "Đô đốc Latusơ Tơrêvin" của hãng Năm Sao từ Hải Phòng vào cập bến Nhà Rồng. Bác xuống tàu và gặp viên thuyền trưởng. Nhìn thân hình mảnh khảnh của Bác, thuyền trưởng hỏi:

- Anh có thể làm được việc gì?

- Tôi có thể làm bất cứ công việc gì. Bác đáp với lòng tự tin.

Nhìn thấy nét cương nghị và thông minh của Bác, viên thuyền trưởng mỉm cười:

- Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai anh xuống đây nhận việc. Anh tên là gì?

Lúng túng một chút, Bác đáp:

- Văn Ba!

Trên tàu khi đó đã có một thủy thủ làm việc từ trước có tên là Nguyễn Văn Ba.

*

*     *

Ngày 3-6-1911, Bác chính thức xuống tàu làm phụ bếp. Đây là một trong những tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách. Tàu dài 124,1 m, rộng 15,2 m, chạy máy hơi nước, 2.800 mã lực, tốc độ 13 hải lý/giờ, trọng tải 5.572 tấn và có đủ nhiên liệu để chạy một mạch 12.000 hải lý. Trong hồ sơ lưu còn có sổ lương và sổ thủy thủ. Lương tháng 6 năm 1911 của Bác là 50 phơrăng Pháp, trong khi những người bồi Pháp làm việc rất nhàn nhã thì lương gấp ba lần lương của Bác.

Trưa ngày 5-6-1911, con tàu Amiral Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ có mặt trên tàu. Trong chuyến hành trình đầu tiên đó Bác đến Xingapo, Côlômbô, Po Xaít, rồi Đarăng, Mácxây và ngày 15 tháng 7 Bác đến Lơ Havrơ, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp.

Bác ra đi giữa mùa bão tố tháng sáu với một trái tim vĩ đại mang trọn tình yêu quê hương đất nước. Từ buổi trưa đó Bác bước vào cuộc đời của một người lao động cực khổ. "Mỗi ngày anh Ba phải làm từ bốn giờ sáng, quét dọn sạch sẽ nhà bếp lớn trên tàu, rồi đốt lửa trong các lò. Sau đó thì đi khuân than, rồi xuống hầm lấy rau, thịt, cá, nước đá... Công việc khá nặng nhọc vì dưới bếp rất nóng, còn trong hầm thì rất rét. Đôi khi vừa phải vác một bao nặng vừa leo lên những bậc thang, trong khi tàu tròng trành lắc lư rất nguy hiểm"5.

Xong công việc ấy, phải dọn cho chủ bếp Pháp ăn. Sau đấy, lặt rau, rửa nồi, chảo và đun lò lại. Công việc kéo dài suốt ngày.

Nhà bếp lo ăn cho cả bảy, tám trăm người, cả nhân viên và hành khách. Có nhiều cái chảo bằng đồng lớn và nặng quá, đến nỗi anh Ba phải kéo lê trên sàn. Và những cái nồi cao quá, anh phải leo lên ghế để chùi nồi. Luôn luôn nghe tiếng:

- Ba, đem nước đây!

- Ba, dọn chảo đi!

- Ba, thêm than vào!

Suốt ngày anh Ba người đẫm hơi nước và mồ hôi, mình đầy bụi than. Người ta thấy anh Ba phải dùng hết tinh thần và sức lực để làm cho xong mọi việc. Và hơn nữa, anh còn phải gọt cho xong đống củ cải và khoai tây... Mỗi ngày, đến chín giờ tối, công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba học hay viết đến khuya...

Một lần dọc đường, anh Ba suýt chết đuối. Bể nổi sóng. Làn sóng to như những quả núi chồm lên, đổ xuống. Hầu hết mọi người say sóng. Như mọi ngày, anh Ba lên bếp lại xuống hầm. Không thể vác những rổ rau lên vai vì tàu tròng trành dữ quá, anh phải buộc rổ rau vào dây sắt để kéo đi. Chuyến thứ hai một ngọn sóng lớn thình lình phủ lên sàn tàu và cuốn xuống bể mọi vật trên sàn tàu, cả những rổ rau và anh Ba nữa. May là anh bị đẩy vào giữa cột buồm và dây xích, nhờ vậy mà thoát chết!...6.

Theo những bức thư của Nguyễn Tất Thành gửi cho cha thông qua nhà chức trách Anh còn lưu trong tài liệu mật thám Pháp thì ngày 30-10-1911, Người đã đến Côlômbô và ngày 15-12-1912, Người đến New York. Nhà sử học Mỹ nổi tiếng, dành gần như cả cuộc đời để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cung cấp cho chúng ta tư liệu rất quý khi Bác Hồ đến Mỹ và đi thăm tượng Nữ thần tự do. Bà đã lật xem những trang ghi cảm tưởng của mọi chính khách khi đến thăm và chiêm ngưỡng tượng Nữ thần tự do. Bà viết: "Tất cả họ đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi ngôi sao tỏa sáng trên vòng nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống dưới chân tượng và ghi: Ánh sáng trên đầu Thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân tượng thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng như người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?".

Từ ngày 5-6-1911 ấy, Bác đã trải qua bao gian nan, cực khổ của các nghề "bồi" ở dưới tàu, "bồi" ở khách sạn, làm nghề rửa ảnh, vẽ sơn mài… và làm nghề cào tuyết cho một trường học để sống, để đi, để hiểu và hoạt động cách mạng. Tám năm sau, tháng 6-1919, từ Cảng Sài Gòn lại chuyển đến nhân dân Việt Nam 8 điều yêu sách của nhân dân Việt Nam mà Nguyễn Ái Quốc đã đại diện gửi đến Hội nghị Vécxây. Văn kiện đó như một quả bom nổ giữa thủ đô của nước chính quốc. Cái tên Nguyễn Ái Quốc từ đó được nhiều người Việt Nam yêu nước biết đến. Nhiều nhà nho yêu nước ở Việt Nam đã nói: "Bầu trời Việt Nam đã xuất hiện một vì sao mới, đó là Nguyễn Ái Quốc".

Từ ngày 5-6-1911 ấy, Người rời Sài Gòn và đã đi qua gần đủ năm châu, bốn biển trên thế giới và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để mùa xuân của 30 năm sau (tháng 2 năm 1941) trở về Pác Bó lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ý chí quyết tâm và lòng tin của Bác trước sau như một. Ngày Người ra đi chỉ với hai bàn tay. Khi Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng chỉ có hai bàn tay. Trong bài thơ Pác Bó hùng vĩ, Bác viết:

"Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà".

Tất nhiên hai bàn tay mà Bác nói đây là hai bàn tay của ngót 25 triệu đồng bào Việt Nam7. Người tin tuyệt đối ở nhân dân, tin ở sự "đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh" của tất cả mọi người Việt Nam…”.

 

1. Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.16.

2. Vàm rạch: cửa sông Bến Nghé (B.T).

3. Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr.39.

4. Theo tài liệu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu (B.T).

5. Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.18.

6. Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.18-19.

7.  Năm 1945 dân số Việt Nam là 25 triệu người (B.T).

                       Trích trong cuốn sáchGS.TS.Trình Quang Phú: Đường Bác Hồ đi cứu nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.58-70.

Bình luận