Kiểm soát quyền lực nhà nước
Một trong những người sáng lập nền dân chủ hiện đại, Jean-Jaques Rousseau khi bàn về sự quyền lực đã nói rằng, quyền lực chính danh để lãnh đạo không dựa trực tiếp trên thần thánh hay một quyền tự nhiên nào để lãnh đạo, mà phải được phê chuẩn bởi sự đồng thuận của những người được lãnh đạo. Ông nêu ra định đề này để từ đó bàn luận về việc xác lập những “khế ước xã hội” cho việc quản lý xã hội hiện đại dựa trên sự dân chủ. Điều này đặt nền móng cho những nhà nước pháp quyền hiện đại, ở đó quyền lực luôn được kiểm soát. Quyền lực nhà nước là mức độ hành pháp cao nhất của một thể chế, nó bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của bất cứ nhà nước nào.
Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 của nước ta tái khẳng định đặc trưng này và phát triển lên một mức mới bằng việc bổ sung thuật ngữ “kiểm soát”, cụ thể: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Nhưng vì thế, nó cần phải được đặt trong tầm kiểm soát của cả xã hội cấu thành nên Nhà nước ấy. Ý chí của xã hội được thể hiện qua Hiến pháp của nhà nước đó. GS.TS. Nguyễn Đăng Dung chia sẻ, sau khi hoàn thành hai cuốn sách Hình thức nhà nước đương đại (2004), Tính nhân bản của Hiến pháp và bản tính của từng cơ quan nhà nước (2005) và những chuyên luận bàn về chế ước quyền lực nhà nước, dưới sự tài trợ của Quỹ Nafosted 2014, cuốn sách Kiểm soát quyền lực nhà nước được hình thành với mong muốn thể hiện quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước mà tác giả đúc kết và tích lũy qua quá trình nghiên cứu, giảng dạy. Kiểm soát quyền lực nhà nước bao gồm hai phần:
Cuốn sách Kiểm soát quyền lực nhà nước
Phần thứ nhất: Cơ sở lý luận của sự kiểm soát quyền lực nhà nước. Nội dung phần này đề cập đến ba vấn đề tương ứng triển khai qua 3 chương: Tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước; Lý thuyết nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp - sự thể hiện tập trung tư duy của nhân loại về kiểm soát quyền lực nhà nước; Hiến pháp - công cụ quan trọng nhất để kiểm soát quyền lực nhà nước. Viện dẫn lời so sánh của Thomas Hobbes khi ví von nhà nước là một con Thủy quái (con quái vật trong Kinh thánh), và khẳng định rằng “Cuộc sống mà không có nhà nước hiệu lực để duy trì trật tự, thì rất đơn độc, nghèo nàn, đồi bại, tàn bạo và ngắn ngủi”; tác giả đã chỉ ra những luận điểm căn bản phải kiểm soát quyền lực nhà nước: chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân, xuất phát từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền (nhân dân ủy quyền, trao quyền theo nhiệm kỳ chứ không phải “muôn năm vạn tuế”, không một thể chế nào của con người có thể hoàn toàn thoát khỏi sai lầm, và nhà nước dân chủ là nhà nước mà quyền lực của nhà nước phải bị kiểm soát.
Từ đó nảy sinh một câu hỏi, vậy làm cách nào để kiểm soát quyền lực nhà nước. Bởi thế, phần 2 của cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn toàn diện với nội dung, hình thức và công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước. Phần này đề cập đến 6 vấn đề: Bảo đảm nhân quyền không bị vi phạm - một nội dung của kiểm soát quyền lực nhà nước; Các chức danh quan trọng của nhà nước phải được bầu cử và với một nhiệm kỳ nhất định - một hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước đầu tiên của một chế độ chính trị dân chủ; Quyền lực nhà nước được kiểm soát bằng việc phân công, phân nhiệm và tự kiểm tra bên trong theo cơ chế kiềm chế và đối trọng (sự kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong); Chính phủ phải chịu trách nhiệm tiêu điểm của kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong; Những hình thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài; Tòa án - cửa ải cuối cùng của sự kiểm soát quyền lực nhà nước. Huân tước Acton (1834-1902) vào đầu thế kỷ XX khi đứng trước sự mở rộng quyền lực chính trị của nhiều quốc gia hiện đại đã nhắc lại những gì mà các nhà triết học Khai Sáng từng đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh, “quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”. Có thể thấy, để kiểm soát quyền lực, không có phương cách nào khác là lấy quyền lực kiểm soát quyền lực, trong đó quyền lực kiểm soát phải cân bằng và ở bên ngoài quyền lực bị kiểm soát. Quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất phức tạp. Thực chất, mục tiêu của việc kiểm soát quyền lực nhà nước là kiểm soát con người đảm nhiệm quyền lực nhà nước, làm cho quyền lực này không bị tha hóa, không bị lạm dụng. Việc xây dựng một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước phù hợp không chỉ bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho nhân dân mà còn là cơ sở để xây dựng đất nước phát triển bền vững.
Nét đặc sắc của nghiên cứu mà tác giả trình bày trong cuốn sách không phải chỉ là nhắc lại các vấn đề lý thuyết, vốn vô cùng phong phú trong lịch sử pháp luật của phương Tây cũng như trên thế giới. Từ thực tiễn lịch sử phong phú và phức tạp của hơn bảy mươi năm mà Nhà nước Việt Nam - nhà nước dân chủ hiện đại đầu tiên của Đông Á - đã trải qua, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đã cho thấy quá trình phát triển dân chủ hiện đại không đi theo một đường tuyến tính. Sự lắt léo của lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, đặc thù văn hóa của một quốc gia lâu đời ở phương Đông trước những thử thách thực dân, những lựa chọn của nhân dân với một thể chế khác biệt với những gì từng diễn ra ở phương Tây đã đòi hỏi một sự kiểm soát quyền lực vừa mềm dẻo vừa kiên định; vừa minh bạch vừa tinh tế; vừa cụ thể phù hợp hoàn cảnh vừa nhất quán với những tiêu chuẩn chung của thế giới. Điều này có thể thấy rõ qua những nội dung của các chương về quyền con người, về phân quyền theo chiều dọc cũng như tự kiểm soát quyền lực từ bên trong, về các hình thức bỏ phiếu tín nhiệm và bãi nhiệm, về tiếng nói của báo chí, về vai trò của thể chế lưỡng tính Cộng hòa, về vai trò của Mặt trận Tổ quốc như một đại diện đặc biệt của nhân dân.
Những vấn đề lý luận và thực tiễn được phân tích trong cuốn sách, tham khảo mô hình phát triển của các kiểu nhà nước trong lịch sử, những học thuyết, quan điểm và mô hình kiểm soát quyền lực nhà nước, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu rộng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân, vì nhân dân là những nội dung thiết thực, nhiều ý nghĩa. Cuốn sách là tài liệu chuyên khảo sâu, hữu ích không chỉ cho học viên ngành Luật học, Chính trị học, các ngành khoa học xã hội khác mà còn cho những người công tác trong hệ thống chính trị.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023