Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại

Ngày đăng: 03/12/2022 - 00:12

Mỹ là quốc gia có hệ thống chính trị liên bang đặc biệt. Trong hệ thống chính trị đó có rất nhiều đảng phái khác nhau, ra đời như một tất yếu lịch sử với tư cách là những tổ chức đại diện cho lợi ích của các tập đoàn người trong xã hội và đều mong muốn thúc đẩy những mục đích và lợi ích của riêng. Hoạt động của các đảng chính trị và mối liên kết, ràng buộc giữa các đảng phái này với các nhóm lợi ích đã khắc họa nên bức tranh đầy màu sắc của nền chính trị Mỹ hiện đại. Đảng chính trị và nhóm lợi ích có thể có những nét tương đồng bởi đều cùng chia sẻ những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, sự khác biệt chính là phương pháp thực hiện để tạo ra ảnh hưởng trên chính trường. Đảng chính trị ảnh hưởng đến chính quyền bằng cách giới thiệu người ứng cử vào một cơ quan công quyền, nỗ lực giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử và phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Ngược lạ, các nhóm lợi ích ảnh hưởng đến chính quyền không qua con đường cạnh tranh trong các cuộc bầu cử mà bằng cách cố gắng tác động đến quyết định của những người trong các cơ quan công quyền. Điều này khiến cho Đảng chính trị quan tâm đến lợi ích quốc gia, còn nhóm lợi ích lại quan tâm đến lợi ích bộ phận. Và trong thực tiễn nền chính trị Mỹ hiện đại, đảng chính trị và nhóm lợi ích đã thiết lập mối quan hệ với nhau nhằm đạt được mục tiêu chính trị của mình.

Cuốn sách Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại của TS. Phan Duy Anh, Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh được viết dựa trên cơ sở nghiên cứu các sự kiện chính trị mang tính lịch sử gắn liền với hoạt động của các đảng chính trị và nhóm lợi ích ở Mỹ được khai thác từ các nguồn khác nhau, trong đó tác giả chú trọng khai thác các nguồn tư liệu quý bằng tiếng Anh. Trong quá trình nghiên cứu, bên cạnh việc tiếp cận các phương pháp nghiên cứu chung của khoa học xã hội, tác giả tập trung sử dụng các phương pháp nghiên cứu nổi bật của Chính trị học như phương pháp cấu trúc chức năng giúp nhìn nhận nền chính trị Mỹ nói chung và các đảng chính trị, nhóm lợi ích nói riêng như một bộ phận chức năng của hệ thống có vai trò, tính hữu dụng, kết cấu và công năng nhất định; phương pháp phân tích hệ thống giúp nhìn nhận nền chính trị Mỹ hiện đại vừa là kết quả vận động của nhiều yếu tố vừa độc lập vừa liên hệ và tùy thuộc lẫn nhau, vừa có tính đơn lẻ vừa mang tính tổng hợp, vừa là động lực của tiến hóa trên các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống chính trị nói riêng, trong hệ thống xã hội nói chung.

Nội dung cuốn sách gồm 3 chương, Chương 1, Cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại, tác giả đã đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận về đảng chính trị và nhóm lợi ích với các nội dung như khái niệm “đảng chính trị”, “nhóm lợi ích”, “mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích”; nêu bật những đặc trưng, vai trò của đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại, đồng thời đưa ra các phương pháp tiếp cận và khung phân tích chung của mối quan hệ giữa đảng chính trị - nhóm lợi ích trong nền chính trị - nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại. Đồng thời, những phân tích về thực tiễn nền kinh tế, cấu trúc hệ thống chính trị, hệ thống pháp lý, cấu trúc xã hội và văn hóa chính trị là những căn cứ cho việc hiểu rõ cơ sở thực tiễn của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích của Mỹ hiện nay;

Chương 2, Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong bầu cử và chu trình chính sách công ở Mỹ hiện đại, tác giả đã phác họa bức tranh về mối quan hệ đảng - nhóm trong bầu cử và chu trình chính sách công để từ đó đánh giá đặc điểm, bản chất cũng như tác động của mối quan hệ này đến nền dân chủ Mỹ. Để đạt được các mục đích riêng của mình, thông qua nhiều cách thức, cả đảng chính trị và nhóm lợi ích đã cố gắng thiết lập mối quan hệ chính trị với nhau. Trong bầu cử, mối quan hệ thể hiện rõ nét khi đảng chính trị rất cần đến các nguồn lực của nhóm lợi ích và ngược lại, các nhóm lợi ích cũng ra sức hỗ trợ cho đảng chính trị giành chiến thắng.

Chương 3, Một số nhận xét về mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại. Từ những phân tích sâu sắc, tác giả đã cho độc giả thấy rõ bản chất  của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Mỹ hiện đại là sự gắn kết lợi ích để cùng nhau phát triển. Mối quan hệ đảng - nhóm này đã tác động tích cực và tiêu cực lên nền dân chủ Mỹ, làm gia tăng sự kết nối lợi ích của người dân với chính quyền, từ đó cũng tăng tính đại diện chính trị của cả đảng chính trị và nhóm lợi ích; góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa thông qua việc giáo dục và tăng cường sự tham gia chính trị của người dân; tăng cường yếu tố tài chính chính trị, giúp các đảng đáp ứng được yêu cầu phát trieenrcuar nền chính trị Mỹ; góp phần tạo ra một quy trình chính sách trơn tru hơn, giúp đảng chính trị, đặc bệt là đảng cầm quyền khắc phục được những hạn chế vốn có của quy trình này. Đồng thời, mối quan hệ này đã làm biến chất hoạt động bầu cử ở mục tiêu của chu trình chính sách công của Mỹ hiện nay, từ đó làm rạn nứt nền dân chủ truyền thống Hoa Kỳ.

Cuốn sách là nỗ lực đầu tiên góp phần khám phá chủ đề cơ bản và quan trọng của ngành Khoa học chính trị ở Việt Nam, có mạch nguồn xuyên suốt là khám phá mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong bầu cử và chu trình chính sách công ở Mỹ hiện đại. Với bố cục rõ ràng, văn phong mạch lạc, lối hành văn khoa học, súc tích, cuốn sách đã dẫn dắt độc giả đi tìm lời giải cho các câu hỏi: Cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mối quan hệ đảng - nhóm ở Mỹ là gì? Những mối quan hệ nào để nhận biết mối quan hệ đảng - nhóm trong nền chính trị Mỹ hiện đại? Đặc điểm và bản chất của mối quan hệ đảng - nhóm trong nền chính trị Mỹ hiện đại là gì? Mối quan hệ đảng - nhóm có tác động như thế nào đến nền chính trị Mỹ hiện đại?

 

Bình luận