Những vấn đề hiện đại về Nhà nước và Pháp luật

Ngày đăng: 01/12/2021 - 22:12

Đất nước ta đã trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, những thành tựu đạt được có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, ngày càng hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa quốc tế. Đổi mới trong lĩnh vực kinh tế được coi là mang lại nhiều thành công và mạnh mẽ hơn cả. Tuy nhiên, những cải cách về kinh tế - xã hội muốn có đột phá thì cần phải có những xung lực mới đến từ những cải cách về thể chế, hiện đại hóa mô hình, phương thức quản trị quốc gia, tổ chức quyền lực nhà nước một cách hợp lý, hiện đại và hiện đại hóa những nhận thức về pháp luật, vị trí, vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội hiện đại. Do đó, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực cải cách thể chế, bộ máy nhà nước, phương thức tổ chức quyền lực và cải cách hệ thống pháp luật, song những cải cách đó chưa thật sự đồng bộ, chưa thống nhất trong nhận thức, có sự xung đột giữa các nguyên tắc, quan niệm mới và cũ . Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu một cách toàn diện, nghiêm túc, có hệ thống những vấn đề lý luận hiện đại về nhà nước và pháp luật để từ đó có những luận giải thỏa đáng, đề xuất những cách tiếp cận mới, phù hợp với điều kiện phát triển mới của đất nước.

Cuốn sách Những vấn đề hiện đại về Nhà nước và Pháp luật tập hợp những bài viết chuyên sâu, gắn liền với các vấn đề về nhà nước và pháp luật trong thế giới đương đại và thực tiễn Việt Nam của các nhà khoa học, giảng viên và các thế hệ học viên, nghiên cứu sinh của Khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính quốc gia. Cuốn sách được kết cấu thành ba phần: Phần I: Những vấn đề hiện đại về Nhà nước, các bài viết tập trung nghiên cứu vấn đề lý luận về quản trị nhà nước hiện đại với nhiều nội dung thời sự, trong đó có vấn đề về quản trị quốc gia được các nhà khoa học nhận định, giải mã.  Phần II: Những vấn đề hiện đại về pháp luật, một số bài viết đề cập đến lĩnh vực pháp luật công, cần được đổi mới cho phù hợp với bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật kỷ cương trong hoạt động nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội. Một số bài viết đề cập đến lĩnh vực pháp luật tư, theo đó đây cũng là lĩnh vực cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, các quy định pháp luật nội dung cũng như pháp luật tố tụng cho phù hợp với tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phần III: Kinh nghiệm thực tiễn, từ những vấn đề hiện đại về nhà nước và pháp luật, các bài viết nêu một số ý tưởng, khuyến nghị về sự thay đổi vai trò và chức năng của Nhà nước theo hướng nhà nước kiến tạo phát triển, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và liên kết khu vực, mối liên hệ Nhà nước - Pháp luật cần được xây dựng theo hướng Nhà nước không chỉ “làm ra” luật mà còn thừa nhận và tôn trọng, bảo vệ các quy tắc ứng xử tiến bộ của xã hội, thúc đẩy tối đa sự tự do lựa chọn hành vi của cá nhân phù hợp với nhu cầu của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập.

Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với giảng viên và học viên chuyên ngành Nhà nước và Pháp luật; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bình luận