Phân phối bình đẳng các nguồn lực kinh tế là chủ đề thách thức về phương diện lý luận và vận dụng vào thực tiễn. Việc nghiên cứu phân phối bình đẳng các nguồn lực luôn là chủ đề mang tính cấp thiết và thiết thực cho quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.
Một nền kinh tế phát triển bền vững khi các nguồn lực được huy động tối đa, việc phân phối chúng bình đẳng và minh bạch nhằm đáp ứng hài hòa lợi ích của từng chủ thể kinh tế. Môi trường phân phối, phân phối lại bình đẳng và kỷ cương là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho mọi chủ thể kinh tế tiếp cận nguồn lực phát triển, tạo cơ hội ngang nhau cho mọi chủ thể cạnh tranh để tối ưu hóa lợi ích của mình một cách lành mạnh và hợp pháp. Từ đó, động lực phát triển mới thực sự được thúc đẩy, đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Hơn nữa, khi thành tựu được ghi nhận, việc phân phối nguồn lực kinh tế một cách bình đẳng dựa trên nền tảng pháp lý nhất quán và nghiêm ngặt sẽ tạo ra động lực mới cho các chủ thể cống hiến và đầu tư mở rộng theo chiều rộng và chiều sâu trong chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Các tác giả của cuốn sách Phân phối bình đẳng các nguồn lực kinh tế: Tiếp cận lý luận và thực tiễn ở một số quốc gia muốn góp phần nhất định vào việc nhìn nhận vấn đề phân phối bình đẳng các nguồn lực kinh tế trong nền kinh tế Việt Nam vào những thập kỷ gần đây và giới thiệu kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới về phân phối nguồn lực. Nghiên cứu này thiên về tiếp cận liên ngành kinh tế học và pháp luật. Khuôn khổ phân tích dựa vào cơ sở nghiên cứu khoa học của nhiều học giả thuộc quan điểm khác nhau, gồm quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và các học giả hiện đại như J. Rawls. Phân phối bình đẳng các nguồn lực kinh tế được lý giải từ nhiều góc độ như kinh tế, xã hội, pháp lý, cơ chế thị trường và phi thị trường.