Đúc rút từ vốn hiểu biết và những kinh nghiệm tuyệt vời của mình, Jeffrey D. Sachs đã viết một bản báo cáo về thế giới với giá trị thực tiễn trực tiếp và to lớn. Cuốn sách Thịnh vượng chung - Kinh tế học cho hành tinh đông đúc đã chuyển tải được nội hàm của tiêu đề: một phân tích dễ hiểu, một bản tổng hợp, một tài liệu tham khảo, một cuốn cẩm nang nghề nghiệp, một cuốn sách hướng dẫn, một bản dự báo và một bản tóm tắt về việc thực hiện những đề xuất cốt yếu cho hạnh phúc nhân loại. Cuốn sách còn là thông điệp gửi tới những người chịu trách nhiệm trước 6,6 tỷ dân toàn cầu: chỉ cần nhìn vào những con số! Thế giới đã đổi thay mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua và sẽ còn thay đổi nhiều hơn, càng lúc càng nhanh hơn. Bất chấp tất cả những thành tựu về khoa học và công nghệ mà chúng ta đã đạt được, sự thay đổi không ngừng trên thực tế chính là lý do khiến nguồn lực trên trái đất sớm cạn kiệt. Bây giờ là lúc chúng ta phải nắm bắt được điều gì đang diễn ra. Chứng cứ đã rõ ràng: chúng ta cần tính toán lại các chính sách kinh tế - xã hội trước khi con người phá hủy hành tinh này. Lúc nguy cấp như vậy là thời điểm nhân loại cần nỗ lực vì một tương lai tươi sáng bền vững.
Có thể nói, loài người hiện đại xuất hiện từ mười nghìn năm trước với sự ra đời của nông nghiệp, làng xã và tiếp theo là các thứ bậc chính trị. Theo luận điểm này, loài người đã hoàn thiện kỹ thuật săn bắt đủ để tiêu diệt phần lớn các loài chim và thú lớn nhất hành tinh - cả hệ động vật - nhưng lại hoàn toàn chưa khai thác phần lớn bề mặt đất trồng và toàn bộ các đại dương. Lịch sử kinh tế sau đó có thể được tóm lược một cách ngắn gọn như sau: con người sử dụng mọi công cụ sáng chế được để biến tài nguyên của trái đất thành của cải. Kết quả là dân số cứ tăng đều đều kéo theo phạm vi địa lý ngày càng mở rộng, điều này tiếp diễn cho đến khi hầu hết các vùng đất sống đều được tận dụng đến mức mật độ kỹ thuật và sức đề kháng bệnh tật còn cho phép. Đến năm 1500, hình thức gia tăng theo số mũ trở nên rõ ràng. Bước sang năm 2000, sự gia tăng kiểu này khiến dân số toàn cầu ngấp nghé chạm ngưỡng giới hạn tài nguyên sẵn có trên trái đất. Điểm mấu chốt trong phát triển kinh tế nhân loại luôn nằm ở sự gia tăng theo số mũ: cụ thể là, khoảng cách giữa mỗi lần gia tăng ngày càng gần hơn. Về bản chất, con người bị chi phối một cách đơn giản bởi bản năng sinh học: sinh sôi nảy nở và tăng theo số mũ - bằng mọi cách cố gắng để tăng theo số mũ. Nói chính xác hơn, sự tăng trưởng logistic: tăng theo số mũ cho đến khi chậm dần rồi chững lại bởi những cản trở từ phía môi trường.
Theo khối lượng lớn dữ liệu được tóm lược trong cuốn sách này với sự minh bạch thấu đáo, chúng ta đã tiến tới được một cửa sổ cơ hội bé nhỏ. Con người đã tiêu thụ hoặc chuyển đổi các tài nguyên không tái sinh của trái đất đủ để có được điều kiện sống tốt hơn trước kia. Chúng ta cũng đủ thông minh và hiện giờ, như ai đó đã hy vọng, chúng ta sẽ có đủ thông tin để tự hiểu mình là một giống loài đoàn kết. Nếu lựa chọn sự phát triển bền vững thì ta có thể bảo toàn được những gì mình đã đạt được, đồng thời đẩy lùi những đại họa ngày càng có nguy cơ xảy ra.
Hãy nhìn vào các con số trong cuốn Thịnh vượng chung - Kinh tế học cho hành tinh đông đúc. Ngoại suy một chút, chúng ta vẫn có thể điều chỉnh các hoạt động sống, nhưng chúng ta không còn nhiều thời gian để làm việc này.
Hầu hết các cuộc khủng hoảng làm điêu đứng nền kinh tế thế giới chủ yếu đều bắt nguồn từ môi trường: đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm, nguồn nước khan hiếm, tuyệt chủng, đất canh tác mất dần, nguồn hải sản cạn kiệt, tài nguyên dầu mỏ thu hẹp dần, những khu vực đói nghèo dai dẳng, nguy cơ các đại dịch và sự chênh lệch đáng sợ trong việc chiếm đoạt tài nguyên trong phạm vi một nước và giữa các nước với nhau.
Thật không may, khi các nhà hoạch định chính sách hiểu từng vấn đề nêu trên ở một mức độ nào đó, thì các vấn đề thường được giải quyết theo kiểu chúng chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy vậy, Sachs đã chỉ ra rằng thế giới hầu như không có cơ hội giải quyết bất cứ một vấn đề nào cho đến khi chúng ta hiểu được mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Chúng ta sẽ sáng suốt khi nhìn nhận mình là một giống loài và tìm ra nhiều biện pháp thực tiễn để giải quyết toàn bộ các vấn đề một cách tổng thể.
Tại sao bộ máy lãnh đạo của chúng ta - các quan chức chính trị, giới thương nhân và giới truyền thông - lại chậm trễ xâu chuỗi các vấn đề này với nhau? Tôi cho đó là bởi trong khi những sự việc do Sachs trình bày đã phản ánh được thực tế và cũng không quá khó để nắm bắt chúng thì tất cả chúng ta lại hành xử với một thế giới quan bị bóp méo bởi phần còn lại của bản chất con người mang tính di truyền. Chúng ta tồn tại trong sự kết hợp kỳ quái giữa những tình cảm từ thời kỳ đồ đá, những niềm tin thời trung cổ và nghệ thuật thần thánh. Tóm lại, đó là cách con người mò mẫm bước vào đầu thế kỷ XXI. Do đó, chúng ta cũng ưa thích sêri phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) vì bộ phim phản ánh con người chúng ta cùng những nguyên mẫu bẩm sinh của chúng ta và soi chiếu vào tương lai.
Tôi cho rằng chúng ta sẽ có những công dân tốt, ở từng nước và trên toàn thế giới, nếu như mỗi người có học thức đều hiểu rõ những minh họa trong cuốn sách này và đọc hết những gì Jeffrey Sachs đã trình bày về việc làm cách nào để hiểu và áp dụng những thông tin chứa đựng trong những minh họa đó. Sự trình bày trong cuốn sách này nên được đề ra tranh luận mạnh mẽ hơn nữa để môn khoa học thống kê trong nhà trường được chú trọng hơn. Môn học này mang tính cơ bản và phổ biến, vượt qua cả những khác biệt về tôn giáo và tư tưởng chính trị.
EDWARD O. WILSON
Giáo sư nghiên cứu danh dự Đại học Pellegrino
thuộc Đại học Harvard và Quản lý danh dự Khoa Côn trùng học,
Bảo tàng Động vật học so sánh