Thời đại công nghệ số và cơ hội mở rộng đề tài cho ngành xuất bản Việt Nam

Ngày đăng: 18/09/2020 - 16:09

Trong thời đại công nghệ số, thông tin được truyền đi với tốc độ nhanh chóng, nội dung thông tin đa dạng, dung lượng thông tin vô biên. Đặc điểm này đáp ứng một cách đầy đủ nhất mục tiêu tối thượng của ngành xuất bản, đó là: cung cấp, truyền bá và lưu trữ thông tin. Thời đại công nghệ số với nguồn dữ liệu thông tin lớn (big data) cùng hàng loạt công cụ, công nghệ và kỹ thuật thông minh đang tạo ra một “mảnh đất màu mỡ” về đề tài cho ngành xuất bản phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các loại hình xuất bản phong phú, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Đây là cơ hội lớn giúp ngành xuất bản thế giới nói chung và ngành xuất bản Việt Nam nói riêng tiếp cận gần hơn với độc giả, đồng thời giúp ngành xuất bản có tương lai trở thành ngành công nghiệp “xanh - sạch”, đồng hành cùng sự tiến bộ của xã hội.

1. Đặc điểm của thời đại công nghệ số và sự nhập cuộc ban đầu của ngành xuất bản Việt Nam

“Thời đại công nghệ số” là khái niệm được dùng để chỉ thời kỳ của những đột phá về công nghệ gắn với những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật số, mạng internet, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối… mà chúng ta đang được chứng kiến hiện nay. Cùng với sự xuất hiện của các phát minh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thời đại công nghệ số còn dung chứa trong nó các sản phẩm và dịch vụ mới tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho cuộc sống của con người. Đó đều là kết quả của sự sáng tạo công nghệ số.

“Big data” trở thành khái niệm cốt lõi trong hầu hết các lĩnh vực xã hội và là “vùng đất quý” dành cho ngành xuất bản

“Big data” (nguồn dữ liệu lớn) là khái niệm thịnh hành nhất trong thời đại truyền thông số, dùng để chỉ nguồn thông tin với dung lượng cực lớn được truyền qua vệ tinh, được thực hiện bằng các máy tính và các thiết bị điện tử kết hợp với mạng internet truyền tin hiện đại, chuyên dụng, có tốc độ nhanh chóng. Chúng có chức năng thu thập, xử lý và truyền tin giống như não bộ và mạng lưới thần kinh của con người, có khả năng tiêu chuẩn hóa, quy phạm hóa và độ tin cậy cao. Hệ thống truyền thông đa phương tiện được tạo ra trên cơ sở kết hợp công năng của các thiết bị thông tin, thiết bị giải trí và máy tính, với đặc điểm mang tính tổng hợp và kết nối cao. Các thực thể truyền thông như sách, báo, tạp chí... sau khi được số hóa và đi vào hệ thống truyền thông đa phương tiện, người dùng chỉ cần thao tác trên máy tính, chọn “menu” là có thể đọc được những nội dung cần tìm kiếm.

Việc tận dụng kho thông tin tri thức khổng lồ đó để ghi lại những kiến thức khoa học, tập hợp những thay đổi về học thuật mới nhất dần trở thành “vùng đất quý”, mở ra khả năng về nguồn đề tài cho ngành xuất bản và giúp giới xuất bản cải thiện những phán đoán mang tính chủ quan khi nhìn nhận về một vấn đề nào đó có trong các xuất bản phẩm; giảm thiểu những sai sót do hạn chế về năng lực, thông tin và tầm nhìn. Nguồn thông tin được lưu trữ trên kho dữ liệu số là căn cứ giúp chúng ta có được cách nhìn đầy đủ và toàn diện về một bản thảo nhất định, từ đó đưa ra phương án xuất bản chính xác nhất cho từng trường hợp.

Việt Nam bước đầu có những cơ sở để gia nhập vào ngành xuất bản hiện đại

Có thể nói, thời đại truyền thông số được hình thành cùng với sự phổ cập của mạng internet. Bảng xếp hạng Inclusive Internet Index của Economist được thực hiện tại 75 nước xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó chỉ số thể hiện rõ nhất là độ phổ cập (availability) của internet, bao gồm chất lượng và sự phổ biến của hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc truy cập internet. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố khác được xem xét như giá cước so với thu nhập (affordability), sự tương ứng của thông tin (relevance) - do sự tồn tại và phổ biến của các nội dung bằng ngôn ngữ địa phương,... Xét về độ phổ cập, Việt Nam đứng thứ 40 trên thế giới về tỷ lệ người dùng internet trên tổng số dân, chất lượng dịch vụ, hạ tầng cơ sở (nguồn điện, các điểm truy cập internet, kết nối di động)... Xét về độ tương ứng của thông tin, Việt Nam gây ấn tượng mạnh nhờ sự phong phú của nội dung địa phương như tin tức, thông tin tài chính, sức khỏe, giải trí, kinh doanh... bằng ngôn ngữ địa phương. Giá cước internet của Việt Nam ở mức trung bình1. Theo một số liệu thống kê, năm 2019, Việt Nam có khoảng 66,1 triệu người dùng internet, chiếm khoảng 70% dân số cùng năm2. Theo một nguồn thống kê khác, tính đến tháng 01/2020,  Việt Nam có đến 65 triệu người dùng mạng xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc hay quảng cáo bán hàng..., chiếm khoảng 67% dân số3.

Những con số trên cho thấy, Việt Nam đã thực sự gia nhập thời đại internet, truyền thông số thật sự trở thành hình thức truyền thông phổ biến và được đông đảo đại chúng tham gia. Lấy ví dụ, ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 90% sinh viên từ đại học trở lên khi tìm tư liệu tham khảo để viết luận văn đều tìm dữ liệu trên mạng, khác hẳn với khoảng 10 năm trước đây, sinh viên chỉ chủ yếu tìm được tư liệu cho luận văn của mình thông qua các thư viện. Điều này cho thấy sự hoàn thiện dần của các nguồn dữ liệu trên mạng internet cũng như xu hướng của thời đại. Có thể nói, dạng truyền thông số này chính là định hướng truyền thông của xã hội.

Trước mắt, chúng ta chưa thể tiên lượng và miêu tả được một cách đầy đủ về tương lai của ngành xuất bản, tuy nhiên ngành xuất bản cần có một sự đổi mới sâu sắc, đó là một yêu cầu tất yếu.

Trước hết, có thể nói rằng, mặc dù chúng ta bắt đầu bước vào xã hội thông tin và có rất nhiều phương pháp, kỹ thuật tiên tiến được áp dụng vào hoạt động thông tin ở nước ta, tuy nhiên việc tạo lập “big data” vẫn còn là một quá trình lâu dài. Không những thế, quá trình tạo lập “big data” ở nước ta mới chỉ bắt đầu và còn lạc hậu so với các quốc gia phát triển khác, do đó, các phương thức thông tin truyền thống như sách, báo, tạp chí giấy vẫn là hình thức thông tin truyền thông chủ yếu; các hình thức sách, báo, tạp chí điện tử tuy đã xuất hiện nhưng chưa thể thay thế được vai trò của sách, báo, tạp chí giấy. Nguyên nhân là do những hạn chế về kỹ thuật, vốn, điều kiện xã hội khác nhau ở nước ta hiện nay. Những điều kiện đó khiến chúng ta chưa thể hoàn thiện được việc thiết lập hệ thống “big data” điện tử và hệ thống truyền thông đa phương tiện.

Thứ hai, việc tạo lập “đại lộ thông tin” đòi hỏi phải có hệ thống quản lý hoàn bị. Ngoài việc đòi hỏi phải có nguồn nhân lực kỹ thuật cao, “big data” còn đặt ra yêu cầu ngày càng cao về vai trò của người làm công tác biên tập, quản lý xuất bản. Trên thực tế, so với các xuất bản phẩm truyền thống in trên giấy, ngoài sự tiện lợi, linh hoạt, phù hợp với thói quen và điều kiện đọc của độc giả hiện đại, các xuất bản phẩm điện tử cũng có những hạn chế nhất định: Một là, để đọc được các xuất bản phẩm điện tử, người đọc cần phải có máy tính, thiết bị điện tử hoặc các thiết bị đọc đặc thù. Hai là, khi đọc các xuất bản phẩm điện tử, mắt dễ bị mỏi, nên hiệu quả của việc đọc không cao. Trong khi đó, các xuất bản phẩm in trên giấy đem lại cảm giác tốt hơn cho thị lực, do đó người đọc dễ nắm bắt được nội dung. Ba là, các xuất bản phẩm điện tử tuy tích hợp được lượng thông tin lớn nhưng tại một thời điểm nhất định, trên màn hình chỉ hiển thị được một lượng nội dung thông tin nhất định, không thể cùng lúc mở ra nhiều trang thông tin như sách giấy. Do đó, các xuất bản phẩm điện tử chỉ thật sự phù hợp với mục đích tra trích, tìm kiếm và giải trí. Việc đọc những văn bản dài, có dung lượng lớn thì sách in trên giấy vẫn là hình thức phù hợp nhất đối với thói quen đọc của con người.

Do vậy, diễn biến chủ yếu của truyền thông hiện nay là định vị lại vai trò của thị trường xuất bản phẩm truyền thống và vai trò của biên tập viên sao cho phù hợp với xu hướng phát triển chung của thời đại.

2. Cơ hội mở rộng đề tài của ngành xuất bản Việt Nam trong thế giới thông tin và công nghệ số

Trong thời đại công nghệ số, thông tin được truyền đi với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú, phạm vi rộng lớn, dung lượng vô biên, đáp ứng một cách đầy đủ nhất các mục tiêu tối thượng của ngành xuất bản, đó là: cung cấp, truyền bá, lưu trữ và định hướng thông tin. Tuy nhiên, thời đại truyền thông số hiện nay cũng đặt ngành xuất bản trước 3 thách thức lớn: thách thức từ phía khách hàng - người mua các xuất bản phẩm (Customer); thách thức từ sự cạnh tranh trên thị trường xuất bản phẩm (Competition); thách thức từ sự thay đổi (Change) của môi trường xã hội, đặc biệt là sự tiến bộ khoa học kỹ thuật truyền thông. Thách thức 3C này (Customer - Competition - Change) buộc những người làm xuất bản phải có những đổi mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra, trong đó xây dựng kế hoạch đề tài là khâu đầu tiên mà các nhà xuất bản cần phải cải tiến, đổi mới.

Ngày nay, mạng internet với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ và sự mở rộng tuyệt đối về dữ liệu thông tin đa phương tiện đã giúp hiệu suất tìm kiếm thông tin qua mạng tăng lên, đáp ứng tốt mong muốn, nhu cầu của người dùng, mà các nhà xuất bản và người làm công tác xuất bản không nằm ngoài nhóm đối tượng được phục vụ đó; thậm chí được hưởng lợi không nhỏ từ sự phát triển của thông tin và công nghệ số, trong đó rõ nhất là “nguồn cung” - đầu vào của hoạt động xuất bản.

Phạm vi đề tài xuất bản được mở rộng không giới hạn trong môi trường “big data”

Trong xuất bản truyền thống, việc lựa chọn đề tài xuất bản chủ yếu dựa vào các nguồn: bản thảo do tác giả gửi tới, bản thảo đặt hàng (Nhà nước hoặc các cơ quan, đơn vị, cá nhân đặt hàng), bản thảo dịch từ các sách nước ngoài. Vì thế, “nguồn cung” bản thảo tương đối hạn chế. Trong những năm gần đây, mạng xã hội phát triển rầm rộ, nguồn thông tin trên các trang điện tử gia tăng như “nấm mọc sau mưa”, chúng ta được chứng kiến sự chuyển mình sang “thời đại truyền thông đại chúng” với các loại hình truyền thông vô cùng phong phú và phát triển với tốc độ chóng mặt. Chính các loại hình truyền thông đa dạng và lượng thông tin truyền thông khổng lồ này đã giúp “nối dài” các giác quan, “mở rộng” bộ não của con người. Sự phong phú về nguồn tài nguyên trên mạng internet với sự tham gia của các hệ thống dữ liệu của nhiều đơn vị thông tin, cá nhân, mạng xã hội… đã cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích trong việc lựa chọn đề tài xuất bản. Tất cả các chương trình truyền hình hay nội dung trên các diễn đàn online, trang văn học, blog... đều có thể trở thành “nguồn cung” dồi dào cho giới xuất bản. Thay vì trực tiếp tiếp cận với tác giả, hay một cơ quan, đơn vị, các nhà xuất bản có thể lựa chọn và tinh lọc những vấn đề trọng tâm của xã hội như: thiên tai, địch họa, văn hóa, đời sống xã hội... để đi sâu khai thác, tổ chức thành những bản thảo có giá trị thực tiễn, có sức hấp dẫn đối với bạn đọc thông qua các trang thông tin mạng để xuất bản thành sách, nhằm phục vụ nhu cầu xã hội.

Không những thế, tính chất mở của mạng internet cũng giúp cho các tác giả có thêm một kênh gửi bản thảo với ưu điểm là mau chóng và thuận tiện. Đối với những người yêu thích việc viết lách thì phương thức phát hành tác phẩm trên mạng internet để thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản, rút ngắn thời gian chờ đợi đã trở thành con đường “thành danh” mau chóng nhất. Việc ra đời các trang văn học mạng và sự nổi lên của một số nhà văn trẻ trên mạng internet ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc trong những năm gần đây là minh chứng rõ nhất cho xu hướng này. Các trang web văn học của Trung Quốc đã trở thành một trong những nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Việt Nam và nhiều nước khác. Hiện tại, ở Trung Quốc, website www.rongshuxia.com là trang văn học mạng lớn nhất và có ảnh hưởng rộng rãi trên toàn Trung Quốc. Trang web này nhận được khoảng 4.000 bản thảo mỗi ngày, trong đó có khoảng 1/10 bản thảo được lựa chọn để đăng trên website. Những bản thảo trở thành nguồn cung cho các nhà xuất bản trên toàn quốc. Ngoài ra, Trung Quốc có khoảng 100 trang web văn học mạng có tầm ảnh hưởng tương đối lớn và tập trung được nhiều bản thảo gốc cho các nhà xuất bản4. Ở Việt Nam, một số blog cá nhân của các nhà văn, nhà báo trẻ cũng đã thu hút được sự chú ý của các nhà xuất bản, là “bàn đạp” để một số cuốn sách ra đời; hoặc các trang youtube của các diễn giả nổi tiếng trong nước cũng là một nguồn thông tin đặc sắc để các nhà xuất bản khai thác đề tài xuất bản sách. Trường hợp diễn giả Lê Thẩm Dương là một ví dụ điển hình. Thông qua các bài diễn thuyết của tác giả này được công bố trên mạng internet và báo Sinh viên Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên phối hợp với báo Sinh viên Việt Nam, Trung tâm tiếng Anh Langmaster xây dựng thành cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công, xuất bản năm 2016 với số lượng in hàng triệu bản và được tái bản nhiều lần. Năm 2019, cuốn sách Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2 được ra mắt với sức nóng không hề suy giảm. Không chỉ riêng hai cuốn sách này mà còn rất nhiều cuốn sách khác của diễn giả Lê Thẩm Dương được xuất bản như: Người truyền cảm hứng, Hồi ký Tiến sĩ Lê Thẩm Dương; bộ ba cuốn sách kỹ năng để thành công: Triết lý TS. Lê Thẩm Dương, Tinh thần khởi nghiệp, Người trưởng thành là người biết sợ… cũng chủ yếu được khai thác từ nguồn thông tin lan tỏa trên mạng internet và độ “hot” về tên tuổi của tác giả trên các mạng xã hội. Điều này cho thấy sự “màu mỡ” của “nguồn cung” trong không gian “big data” đối với hoạt động xuất bản và công tác xây dựng kế hoạch đề tài phải là “đầu tàu” tiếp cận sự đa dạng và dồi dào đó của thế giới thông tin mở.

Ngoài ra, tính chất mở của mạng internet cùng sự phổ biến của các loại hình thanh toán thương mại điện tử đã giúp cho hoạt động kinh doanh, mua bán qua mạng điện tử giữa các quốc gia được nhanh hơn. Hoạt động mua bán bản quyền xuất bản phẩm cũng theo đó được phát triển. Điều này giúp cho nguồn bản thảo, đề tài trong mảng sách dịch của các nhà xuất bản trong nước có điều kiện được mở rộng, phong phú và bắt kịp với đời sống văn hóa, xã hội, chính trị trên thế giới. Gần đây nhất có thể kể đến là hiện tượng hàng loạt cuốn sách về Tổng thống Mỹ Donald Trump được mua bản quyền, dịch và xuất bản tại Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, nổi bật là cuốn sách Hiểu về Trump (Understanding Trump) của tác giả Newt Gingrich (nguyên Chủ tịch Hạ viện Mỹ giai đoạn 1995 - 1999) do Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) phối hợp cùng Công ty Sách Omega Việt Nam và Nhà xuất bản Công Thương xuất bản và phát hành. Tất cả các hoạt động mua bản quyền và xuất bản cuốn sách này đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn, phục vụ đúng nhu cầu của độc giả trước sự kiện chính trị lớn trên thế giới diễn ra tại Việt Nam. Sở dĩ làm được như vậy là do sự lan tỏa và sức mạnh to lớn của internet, thương mại điện tử đối với hoạt động xuất bản hiện nay.

Có thể nói, thời đại công nghệ số đã giúp chúng ta kết nối được đầy đủ và linh hoạt nhất vốn tri thức của nhân loại thông qua các dạng sách (sách giấy và sách điện tử), đồng thời giúp công tác xây dựng kế hoạch đề tài của ngành xuất bản luôn vận động và mở rộng không ngừng, qua đó giúp đa dạng hóa các nội dung cần xuất bản, phục vụ bạn đọc một cách đa chiều, sâu sắc và nhanh chóng hơn bao giờ hết.

Tính chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch đề tài được nâng cao do sự hỗ trợ đắc lực của mạng internet

Mạng internet dựa trên cơ sở truyền thông số đã giúp những người làm công tác xuất bản có thể tiến hành mọi công việc trên mạng, chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động, từ đó phát huy tối đa tính tích cực, năng động của người làm xuất bản, trước hết là trong việc lập kế hoạch đề tài. Biên tập viên có thể tiến hành tổ chức, trao đổi thông tin xuất bản, giao lưu với tác giả và độc giả trên mạng internet bất cứ lúc nào mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Do vậy, người làm xuất bản có thể nắm bắt được “đầu vào” của đề tài, bản thảo (tác giả) và “đầu ra” của xuất bản phẩm (độc giả) một cách nhanh nhất, chủ động nhất, từ đó có khả năng đưa ra quyết định về đề tài một cách dễ dàng và kịp thời nhất.

Việc ứng dụng kỹ thuật truyền thông số cung cấp cho các nhà xuất bản kênh tìm kiếm thông tin liên quan đến tác giả một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Người làm công tác xây dựng kế hoạch đề tài có thể trực tiếp tìm kiếm ý tưởng, đề tài trên mạng internet; hoặc trực tiếp đăng các thông tin về nội dung bản thảo cần khai thác để tìm kiếm các tác giả và bản thảo phù hợp mà không bị giới hạn bởi không gian địa lý hay sự gò bó của thời gian vật chất. Thậm chí, việc kết nối, trao đổi thông tin giữa các nhà xuất bản với các tác giả và nhà xuất bản nước ngoài gần như bị xóa nhòa khoảng cách và trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Điều này làm cho khả năng lựa chọn đề tài, tác giả của các nhà xuất bản trở nên phong phú và mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó, mạng internet còn giúp người làm kế hoạch đề tài xuất bản khảo sát được nhu cầu của độc giả trên phạm vi rộng lớn, từ đó đưa ra những nhận định cần thiết về số lượng in đối với từng bản thảo nhất định. Hoặc cũng từ internet, người làm xuất bản nắm bắt được những vấn đề nóng bỏng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng trong một thời điểm hoặc một quãng thời gian nhất định, từ đó đi sâu nghiên cứu, tổ chức bản thảo, xuất bản các tác phẩm liên quan phục vụ cộng đồng.

Có thể nói, mạng internet đã kéo gần lại mối quan hệ “kiềng ba chân”: tác giả - nhà xuất bản - độc giả. Cả ba đối tượng trong mối quan hệ này đều được tăng tính chủ động trong việc tiếp cận thông tin từ xuất bản phẩm, trong đó nhà xuất bản là yếu tố quan trọng hàng đầu, có vai trò điều phối, định hướng thông tin.

Năng lực chắt lọc đề tài và định hướng thông tin của hoạt động xuất bản được tăng cường do khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu thông tin lớn được mở rộng

Trong thời đại truyền thông số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, lượng thông tin được chia sẻ không chỉ là thông tin đơn lẻ, một chiều mà là nguồn thông tin khổng lồ, bùng nổ, đa chiều. Thực trạng này dẫn đến những thay đổi cơ bản trong việc truyền bá và tiếp nhận thông tin. Với vai trò là một hoạt động truyền bá và lưu trữ thông tin, cái mà ngành xuất bản có thể sử dụng không phải là toàn bộ nguồn thông tin khổng lồ, không giới hạn trên các trang mạng đó mà ngược lại, lượng thông tin có thể lựa chọn để trở thành đề tài xuất bản lại rất ít ỏi. Do đó, yêu cầu về năng lực phân tích giá trị thông tin và xác định tiềm lực thị trường của thông tin khi đưa vào xuất bản trở thành yêu cầu mang tính sống còn của nhà xuất bản.

Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với những người làm công tác xuất bản, mà cụ thể là đối với quá trình xây dựng đề tài xuất bản, đó là “trạng thái nhiễu thông tin” trên kênh thông tin đại chúng. Tuy nhiên, tính chất công cụ, phương tiện tìm kiếm thông tin của kỹ thuật truyền thông số lại cũng là một công cụ tốt giúp chúng ta xác định được vấn đề này. Theo đó các thông tin sẽ được sắp xếp theo những tiêu chí hoặc cách thức nhất định, đồng thời căn cứ vào nhu cầu của người sử dụng thông tin liên quan trực tiếp, gần nhất sẽ được lựa chọn để hiển thị theo các lớp lang, tầng bậc cụ thể.

So với việc tìm kiếm thông tin theo cách thủ công như trước đây, chức năng tìm kiếm thông tin của máy tính đã giúp con người có thể vượt qua rào cản về không gian và thời gian, tra cứu và thu thập được lượng thông tin, dữ liệu lớn trong thời gian ngắn, và cập nhật những thông tin mới nhất một cách nhanh nhất. Trong công tác xây dựng kế hoạch đề tài xuất bản, chỉ cần nhập một từ khóa (keyword), danh mục các tài liệu liên quan sẽ lập tức được hiển thị, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, là cơ sở quyết định có hay không đưa một thông tin, một bản thảo, một tác giả nào đó vào kế hoạch xuất bản.

Xét một cách cơ bản, mục đích của xuất bản chính là truyền tải tri thức, lan tỏa, chia sẻ tri thức của một người, một nhóm người, một cộng đồng và của toàn nhân loại nhằm giữ gìn, bảo lưu các giá trị của tri thức. Mục đích đó được đáp ứng tối ưu nhất trong thời đại công nghệ số - thời đại của truyền thông kỹ thuật số. Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, thời đại công nghệ số mà gần nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa thông tin trong thế giới loài người. Trong một quy trình được hiện đại hóa với nhiều loại hình xuất bản khác nhau, vấn đề cơ bản nhất là việc lựa chọn, xây dựng kế hoạch đề tài xuất bản, bởi lẽ đây được xem là khâu quyết định khả năng đáp ứng nhu cầu tri thức, thỏa mãn thị hiếu và định hướng thông tin đối với độc giả trong thời đại mới.

Từ khóa: thời đại công nghệ số, thông tin - truyền thông, xuất bản

1. Xem “Việt Nam đứng thứ 32 thế giới về phổ cập internet”https:// vnexpress.net/viet-nam-dung-thu-32-the-gioi-ve-pho-cap-internet-3551601.html.

2. Xem “Thống kê số lượng người dùng Internet ở Việt Nam năm 2019”, https://www.dammio.com/2020/02/11/thong-ke-so-luong-nguoi-dung-internet-o-viet-nam-nam-2019.

3. Xem “Thống kê Internet Việt Nam 2020”, http://vnetwork.vn/news/thong-ke-internet-viet-nam-2020.

4.Xem Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản (Sách tham khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 244.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Châu Úy Hoa: Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.

2. Hoàng Hải Long (Chủ biên): Đế quốc thương mại điện tử: Truyền kỳ về nhà sách online Amazon, Nxb. Nhật báo Kinh tế Bắc Kinh, 2000.

3. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Xuất bản, phát hành: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đào tạo cán bộ ngành kinh doanh xuất bản phẩm trong kỷ nguyên công nghệ số, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2019.

4. http://it.people.com.cn/GB/8219/114643/index.html.

TS. Nguyễn Thị Trang

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức

Bình luận