Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại điều gì cho phát triển văn hóa? Bài học/kinh nghiệm từ việc giao lưu ngày một sâu rộng và toàn diện? An nguy văn hóa mỗi quốc gia sẽ ra sao trước sự “xâm lăng” của công cuộc hội nhập?... Tất cả những câu hỏi, những kiến giải, và cũng là bài toán nhiều thách thức sẽ một phần được tìm thấy khi tiếp cận công trình Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 của PGS.TS. Lê Thanh Bình.
Cuốn sách Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 của PGS.TS. Lê Thanh Bình
Ngành truyền thông có những lợi ích to lớn, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống con người. Truyền thông khiến thế giới phẳng, con người hội nhập, và nối kết tất cả trong một vòng bền chặt mà linh hoạt. Tuy thế, muốn hội nhập như một quy luật tất yếu đó, chúng ta cần có chiến lược, có lộ trình, có thử nghiệm, và trước nhất là có những hiểu biết tổng thể. Xét ở góc độ cung cấp tri thức khái lược, cuốn sách đã cho thấy những nghiên cứu bước đầu về truyền thông và các mối quan hệ với chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong khoảng thời gian hàng thập kỷ và không gian xuyên quốc gia, cùng tầm nhìn tới những năm 2030.
Chương 1, Một số vấn đề lý luận về truyền thông, truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa, tác giả đi từ việc định nghĩa lại các khái niệm truyền thông và các ngành truyền thông, đến việc hệ thống những vấn đề lý luận về truyền thông phát triển và ngoại giao văn hóa Việt Nam, các phân tích đã khẳng định thời gian qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến ngoại giao văn hóa, thu được nhiều thành tựu quan trọng, đã và đang tạo nên một Việt Nam mới mẻ hơn trong cái nhìn của bạn bè quốc tế. Thêm vào đó, nếu biết vận dụng những lợi thế của quá trình toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 thì mỗi quốc gia sẽ có thêm những thuận lợi để phát triển văn hóa và mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.
Dành tới gần một nửa dung lượng để phân tích thấu đáo, đa dạng về vai trò của truyền thông với một số lĩnh vực trong đời sống xã hội hiện đại ở Chương 2, cuốn sách đã cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn bao quát và không thiếu những điểm nhấn thú vị.
Trong các lĩnh vực truyền thông, báo chí có lịch sử phát triển lâu đời nhất, là vũ khí sắc bén, không chỉ là diễn đàn, tiếng nói của mọi tầng lớp nhân dân, mà còn đóng vai trò đảm đương, thể hiện sự dân chủ hóa trong đời sống xã hội, tính ưu việt của chế độ. Bên cạnh việc phản ánh dư luận xã hội, báo chí còn có một nhiệm vụ quan trọng là định hướng đúng đắn dư luận xã hội, góp phần vào định hướng hành vi của cá nhân trong xã hội, vì lợi ích của cộng đồng. Một phần tuy chiếm dung lượng không lớn trong nghiên cứu này, là vai trò truyền thông báo chí đối với sự phát triển của Hà Nội, nhưng đã mang đến những phân tích xác đáng, nhiều kiến giải. Từ việc khái lược về thực trạng chung của bức tranh báo chí trên địa bàn thủ đô Hà Nội, đến việc chỉ ra kinh nghiệm vai trò báo chí Hàn Quốc, tác giả đề xuất giải pháp cho truyền thông báo chí tại Hà Nội với những gợi mở hữu ích.
Sau 35 năm thực hiện đổi mới, đẩy mạnh triển khai chiến lược văn hóa, Việt Nam đã bước đầu xác định được thế mạnh văn hóa trong giao lưu quốc tế, tận dụng vai trò truyền thông để quảng bá và khẳng định thương hiệu. Những lĩnh vực như khoa học công nghệ; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phát triển du lịch biển đảo… đều có những bước tiến dài, đáp ứng tốt trong tình hình mới, đã được phân tích ở Chương 2, thì ở Chương 3, Giao lưu văn hóa, ngoại giao văn hóa từ góc nhìn truyền thông đánh giá tương đối khách quan về 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa; cùng với đó là các “tiểu kết” ở lĩnh vực cụ thể như: nhiếp ảnh, âm nhạc, giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài… và một số vấn đề khơi gợi được nhiều sự bàn luận như: xây dựng bộ tiêu chí cơ bản cho hệ giá trị văn hóa Việt Nam ngày nay, thúc đẩy văn hóa của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài… Tuy thế, điều đáng chú ý của chương này là, PGS.TS. Lê Thanh Bình từ quan điểm cá nhân, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của các hoạt động giao lưu văn hóa, văn hóa đối ngoại của nước ta trong công cuộc hội nhập.
Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, mang đến sức mạnh mềm góp phần phục vụ các mục tiêu quốc gia, thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại. Chiến lược ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay sẽ đóng vai trò là cầu nối gắn kết Việt Nam với các quốc gia, chia sẻ các giá trị tinh hoa văn hóa trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt. Do đó, một phần quan trọng của cuốn sách là nhấn mạnh vấn đề bảo vệ lợi ích văn hóa, an ninh văn hóa quốc gia trong bối cảnh truyền thông giao lưu văn hóa phát triển: thúc đẩy truyền thông giao lưu văn hóa như quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đi đôi với ý thức bảo vệ an ninh văn hóa dân tộc, chống sự xâm nhập của sản phẩm văn hóa độc hại.
Chính sách hợp tác quốc tế về văn hóa nghệ thuật của Đảng, Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện, đội ngũ cán bộ hoạch định chính sách ngày càng được nâng cao về số lượng, chất lượng; các văn nghệ sĩ có ý thức gìn giữ quốc hồn quốc túy trong từng sản phẩm văn hóa… Tuy nhiên, kinh phí còn eo hẹp, cách phối hợp triển khai đôi khi chưa đồng bộ là những hạn chế và thách thức việc hợp tác quốc tế về văn hóa hiện nay. Bởi thế, những luận điểm phân tích từ cái nhìn liên ngành, những “điểm” - “diện” - “đối sánh” được triển khai trong cuốn sách không chỉ cho thấy cái nhìn tổng thể, cơ bản mà còn có khả năng tham chiếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.
Nội dung cuốn sách Truyền thông phát triển xã hội, văn hóa, ngoại giao văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 còn cho thấy một ý thức về sức mạnh của truyền thông - một quyền lực thực sự trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, do đó, hơn lúc nào hết cần thúc đẩy truyền thông giao lưu song song với việc thực hiện đồng bộ, riết róng những giải pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nước ta. Có như thế mới đẩy mạnh xuất khẩu văn hóa trực tiếp và gián tiếp; đồng thời hạn chế đến mức tối đa những yếu tố chi phối, kiểm soát, thao túng của truyền thông đến sự chọn lựa và hành động của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa nhân văn, bản sắc và bền vững.
Đỗ Quyên
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023