Vận dụng tư tưởng xây dựng nền quan chế của vua Lê Thánh Tông trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay
Vua Lê Thánh Tông là một trong những vị vua tài đức vẹn toàn của đất nước trong thời kỳ phong kiến. Nền quan chế với tư tưởng “Trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”, pháp luật nghiêm minh, trọng dụng nhân tài được vua Lê Thánh Tông và quân thần chú trọng thực hiện. Trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính như hiện nay, tư tưởng xây dựng nền quan chế của vua Lê Thánh Tông có nhiều điểm giá trị, tương đồng, là bài học kinh nghiệm quý giá để học hỏi, vận dụng nhằm kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương, bộ, ban, ngành.
1. Khái lược về thân thế và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông
Theo sử cũ chép lại, vua Lê Thánh Tông tên húy là Tư Thành, ở ngôi 37 năm, thọ 56 tuổi. So với nhiều vị vua khác trong thời kỳ phong kiến Việt Nam, thời gian nắm giữ “ngai vàng” của vua Lê Thánh Tông tương đối dài. Sử thần Ngô Sỹ Liên trong bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dù Vũ đế nhà Hán, Thái Tôn nhà Đường cũng không hơn được”1.
Trong thời gian trị vì đất nước, bằng những phát kiến, cải cách mạnh mẽ trên nhiều phương diện: pháp luật, thiết chế bộ máy, nhân sự…, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một nền quan chế trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định vị thế của nước Đại Việt với các nước láng giềng.
Cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông có thể chia thành 2 giai đoạn:
Thứ nhất, giai đoạn trước khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi. Đây là khoảng thời gian đất nước có sự bất ổn lớn về chính trị, đó là việc tranh đấu “ngai vàng” và bi kịch thảm án của bậc đại công thần Nguyễn Trãi. Trước khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông “sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim nghĩa lý Thánh hiền”2, chứng tỏ bản thân là người có chí tiến thủ, luôn nỗ lực học tập, hành xử đức độ khác hẳn với các vị huynh trưởng đang tranh giành “ngai vàng”.
Thứ hai, giai đoạn trị vì nước Đại Việt (1460-1497). Trong 37 năm trị vì, vua Lê Thánh Tông thể hiện là người có quan điểm trọng Nho giáo sâu sắc, ông không chỉ tập trung quyền lực vào "ngai vàng" mà còn quan tâm đến định hướng học tập của kẻ sĩ trong thiên hạ. Chính sách cải cách của vua Lê Thánh Tông rất đa dạng, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc thiết lập hệ thống pháp lý và nền quan chế kỷ cương, nghiêm minh, hiệu quả. Khi trị vì, ông đã trọng dụng rất nhiều đại thần là nhân tài của nước Đại Việt lúc bấy giờ như Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh…
Hiện nay, lịch sử Việt Nam đã bước sang trang mới, với những thành tựu trên con đường xã hội chủ nghĩa, song tư tưởng xây dựng nền quan chế của vua Lê Thánh Tông vẫn còn nguyên giá trị. Nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông không đơn thuần chỉ để ngợi ca, vinh danh một vị vua vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tầm trong sự nghiệp xây dựng đất nước, mà hơn thế, còn để nhìn lại lịch sử, tìm ra mối liên hệ với hiện tại, vận dụng có chọn lọc những thành tựu của các bậc tiền nhân trong thời đại mới.
2. Tư tưởng xây dựng nền quan chế của vua Lê Thánh Tông (1460-1497)
Nội hàm thuật ngữ “nền quan chế” trong triều đình phong kiến có nhiều điểm tương đồng với tổ chức bộ máy cơ quan nhà nước và đội ngũ nhân sự trong các nhà nước hiện đại. Có thể nói, hiệu quả hoạt động quản lý của các triều đại phong kiến phụ thuộc rất lớn vào “tài” và “trí” của quan lại trong bộ máy triều đình. Không thể phủ nhận sự anh minh và quyết đoán của các vị vua giữ vai trò quyết định, song nếu không có những “nhân sự” làm hoạt động thừa hành, hiện thực hóa ý chỉ, quyết định của nhà vua thì rất khó tạo lập nên một nền quan chế vững mạnh và hiệu quả. Lịch sử chứng minh rằng, trong các vương triều thịnh trị của thời kỳ phong kiến Việt Nam: Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn đều xuất hiện những hiền tài, những vị quan có trí tuệ, tài năng và sức ảnh hưởng lớn.
Nếu trước đó nhà Trần coi Phật giáo là quốc giáo của Đại Việt, thì vua Lê Thánh Tông là người coi trọng Nho giáo, luôn vận dụng triệt để những quan điểm của Nho giáo vào vấn đề trị quốc an bang. Hiểu rõ tình hình đất nước còn nhiều bất ổn, kỷ cương, phép nước chưa được thắt chặt, sự học chưa thật sự phát triển nên vua Lê Thánh Tông đã coi Nho giáo là gốc, là kim chỉ nam trong việc điều hành và xây dựng nền quan chế. Ông đặc biệt chú trọng công tác tuyển dụng nhân tài; đề cao tư tưởng “Trăm quan là nguồn gốc của trị loạn”, luôn đặt vấn đề giáo dục, khoa cử lên trước nhất để lựa chọn được những cá nhân có đủ phẩm chất, năng lực vào bộ máy triều đình.
Vua Lê Thánh Tông khuyến khích giáo dục đối với nhiều tầng lớp khác nhau, không còn bó hẹp trong tầng lớp vua chúa, quý tộc, địa chủ, quan lại và đặc biệt coi trọng chữ “đức” của sĩ tử. Tháng 4, niên hiệu Quang Thuận thứ 3 (1462), vua mở hội thi Hương. Các quan, xã trưởng sở tại có trách nhiệm chứng thực các thí sinh đi thi phải thật sự là người có đức hạnh. Những kẻ bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, dù có học giỏi đến đâu cũng không được dự thi. Phép thi được quy định như sau: thí sinh phải nộp giấy chứng thực ghi rõ là người của phủ, huyện nào, lý lịch bản thân, không được gian dối, giả mạo. Nhà phường chèo, con hát và những kẻ phản nghịch thì bản thân và con cháu không được dự thi. Nếu nhờ người thi hộ sẽ bị trị tội nặng3. Bên cạnh đó, vua đề cao quan điểm “lấy rộng người thực tài, không lo bội số”, tập trung thu hút nhân tài làm việc cho triều đình, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực vào sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này đã được nhà sử học Phan Huy Chú ghi lại: “Khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng... Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém”4. Thực hiện việc thi cử công bằng và minh bạch sẽ tuyển chọn được những cá nhân ưu tú, bổ nhiệm họ vào những vị trí phù hợp.
Bên cạnh việc chú trọng xây dựng đội ngũ quan lại ưu tú, vua Lê Thánh Tông chủ trương xây dựng nền quan chế đề cao vai trò của pháp trị. “Pháp trị” là thuật ngữ có nội hàm rộng và phức tạp. Tiếp cận dưới phương diện quản lý, pháp trị là học thuyết chủ trương quản lý xã hội bằng pháp luật. Đại biểu của học thuyết này là Hàn Phi Tử với tư tưởng pháp là phép tắc hiệu lệnh rõ ở chỗ công, hình phạt là để cho lòng dân quyết chắc mà theo. Ai giữ phép cẩn thận thì thưởng, trái lệnh thì phạt. Trong quá trình trị vì, vua Lê Thánh Tông luôn vận dụng các học thuyết một cách có chọn lọc, đặc biệt là học thuyết Nho giáo vào việc củng cố quyền lực và xây dựng nền quan chế.
Cùng với đó, vua Lê Thánh Tông hết sức đề cao vai trò của pháp luật, lấy pháp luật làm thước đo, chuẩn mực để đánh giá hành vi, đặc biệt là trong xét xử. Bộ Quốc triều hình luật hay còn gọi là Bộ luật Hồng Đức là một trong những bộ luật cho thấy bước phát triển vượt bậc về tư duy pháp lý cũng như kỹ thuật lập pháp của nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật Hồng Đức được vua Lê Thánh Tông ban hành và áp dụng thành công trong thời gian trị vì nước Đại Việt. Bộ luật gồm 722 điều luật, chủ yếu là luật hình, song chứa đựng giá trị nhân văn, đề cập đến các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội: dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, quân sự…
Nền quan chế của nước Đại Việt khi đó cho thấy, vua Lê Thánh Tông đã xây dựng bộ máy quyền lực không đơn thuần chỉ hoạt động máy móc dựa trên ý chỉ của người đứng đầu mà quan trọng hơn đã lấy pháp luật làm thước đo, chuẩn mực của hành vi. Pháp luật không chỉ mang tính chất răn đe, trị tội mà còn bảo đảm tính công bằng, minh bạch, bình đẳng trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lịch sử cho thấy, “trăm quan” thực sự “là nguồn gốc của trị loạn”. Nội hàm thuật ngữ “loạn” không đơn thuần chỉ là “loạn” khi đất nước bị giặc xâm lăng mà còn là mối “loạn” bên trong của triều đình. Đó là nạn quan lại tham ô, nhũng nhiễu, vơ vét, hà hiếp nhân dân, xảy ra phổ biến ở các triều đại phong kiến. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, ông chú trọng việc kiểm tra, giám sát và trừng trị thích đáng đối với những kẻ gây “loạn”. Vua từng nhắc nhở Thái bảo Lê Lăng nên “cẩn thận về sau như trước, phải thanh liêm, phải công bằng”5, cảnh tỉnh Tả đô đốc Lê Thọ Vực phải “hết lòng thành, bỏ lòng riêng”6. Nếu đã nhắc nhở mà cố tình tái phạm, đặc biệt là đối với những hành vi tham ô, nhũng nhiễu, lạm quyền, vua Lê Thánh Tông luôn xử phạt rất nghiêm khắc để đảm bảo sự công bằng trong xã hội.
Tính pháp trị mạnh mẽ của triều vua Lê Thánh Tông thể hiện ở một số quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với những quan lại có hành vi trục lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, vơ vét của cải. Điều 67, Chương Vi chế, Bộ luật Hồng Đức chỉ rõ: “Các quan tướng súy tại các phiên trấn đến những châu huyện ở trấn mình sách nhiễu tiền tài của nhân dân thì bị biếm ba bậc, phải bồi thường gấp đôi số tiền trả lại cho dân”7. Điều 130 xác định: “Nếu người nào lạm chiếm quá phần đất đã định thì bị tội xuy đánh 50 roi, biếm một tư; người có vườn ao rồi mà lại chiếm nơi khác thì tội thêm một bậc. Nếu người nào có công được vua cấp thêm đất thì không kể”8. Bên cạnh đó, Điều 157, Chương Vi chế đã xác định rõ trách nhiệm của quan liệu triều đình trong việc thực thi công vụ: “Các quan giám lâm, quan chủ ty biết thuộc viên phạm tội mà không phát giác, xử biếm hai tư; đàn cư quan biết mà không phát giác, tội cũng như thế”9. Quyền gắn liền với trách nhiệm là nguyên tắc quản lý được vua Lê Thánh Tông và quần thần hết sức đề cao.
Mặc dù pháp luật luôn được vua Lê Thánh Tông nhấn mạnh và củng cố, song ông vẫn kết hợp những yếu tố hợp lý của đức trị và học thuyết Nho giáo vào xây dựng nền pháp chế. Bản thân vua Lê Thánh Tông và các bậc đại thần cũng luôn tuân thủ pháp luật, làm tấm gương sáng để người dân và quan lại quần thần noi theo.
3. Vận dụng tư tưởng xây dựng nền quan chế của vua Lê Thánh Tông trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính hiện nay
Trong bối cảnh hiện nay, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính là một tất yếu của nền hành chính Việt Nam. Trong phiên trả lời chất vấn ngày 18/11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế… Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc”10.
Thông qua việc tìm hiểu khái lược về tư tưởng cũng như các chính sách, phát kiến tạo lập nền quan chế dưới thời vua Lê Thánh Tông, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính ở Việt Nam hiện nay:
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh mới của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay là một đòi hỏi tất yếu. Chính phủ kiến tạo, liêm chính dựa trên nền tảng sự chủ động của các cơ quan chức năng trong việc tạo lập môi trường cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thành thạo về tin học, ngoại ngữ, được trang bị đầy đủ kỹ năng mềm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính bảo đảm năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức; tinh thần trách nhiệm với công việc; tuân thủ pháp luật, kỷ luật.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác nêu gương, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy, một trong những yếu tố giúp vua Lê Thánh Tông thu hút được nhiều người tài làm việc trong bộ máy triều đình, đó là bởi ông rất coi trọng tính trách nhiệm trong thực hiện công việc. Từ vua, quan cho đến các vị trí khác trong triều đình đều rất nghiêm túc, chăm chỉ, cần mẫn làm việc. Do đó, người tài không chỉ khẳng định được tài năng của bản thân, mà còn hướng đến việc được cùng vua, quan cống hiến sức lực cho đất nước. Đặt trong bối cảnh đất nước hiện nay, những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã quán triệt thực hiện công tác nêu gương, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực công. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, địa phương, công tác này còn có những hạn chế nhất định: vẫn còn tình trạng tham nhũng, sai phạm trong khi thi hành công vụ, mất đoàn kết trong nội bộ tổ chức… Do đó, để bảo đảm sự “liêm chính” trong thực thi công vụ, trước hết, mỗi cán bộ, công chức phải thực sự có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực sự liêm khiết, chính trực, là tấm gương để cấp dưới và đồng nghiệp noi theo.
Thứ ba, xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành với nhau. Nội hàm thuật ngữ “kiến tạo” hướng đến việc Chính phủ và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với Nhà nước, tạo động lực để phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế. Trong những năm qua, đã có nhiều địa phương đạt được nhiều thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, những địa phương này đều hướng đến mục tiêu tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, năng động, thu hút đầu tư; cán bộ, công chức chủ động trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời sáng tạo nhiều kênh thông tin để tương tác với người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ban, ngành địa phương cần nhân rộng hơn nữa những cách làm hay, những cải cách mang tính đột phá; khắc phục và hạn chế tối đa tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Thứ tư, chú trọng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước. Việt Nam là quốc gia có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế, nhiều nhà khoa học đang làm việc trong các tổ chức, quốc gia trên thế giới. Song có một vấn đề đáng báo động ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, đó là tình trạng “chảy máu chất xám”. Đặc biệt, khu vực công nói chung và Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương nói riêng chưa tạo được sức hút để “giữ chân” người tài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: sự chênh lệch về lương bổng và đãi ngộ, về điều kiện để phát triển sự nghiệp… Do đó, Chính phủ, địa phương cần có cơ chế ưu đãi xứng đáng đối với những người có trình độ. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng trong tuyển dụng công chức, tránh tình trạng “gia đình trị”, “dòng họ trị” ở một số địa phương.
Ngoài các giải pháp trên, các cơ quan nhà nước cần tăng cường thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra cán bộ cần mang tính kịp thời, tránh hình thức; đánh giá cán bộ phải khách quan, thực chất; khen thưởng, kỷ luật đúng người, đúng tội; từ đó, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đưa đất nước phát triển bền vững như vua Lê Thánh Tông đã từng trị vì Đại Việt với một nền quan chế kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả. ◈
Từ khóa: vua Lê Thánh Tông; xây dựng nền quan chế; Chính phủ kiến tạo, liêm chính
1, 2, 5, 6. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (dịch): Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010, tr. 436, 436, 456, 469.
3. Đặng Việt Thủy: “Vua Lê Thánh Tông với sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhân tài”, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, (http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Vua-Le-Thanh-Tong-voi-su-nghiep-giao-duc-va-dao-tao-nhan-tai-post165070.gd).
4. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Sử học, Viện Sử học, Hà Nội, 1961, t. 3, tr. 12.
7, 8, 9. Viện Sử học Việt Nam: Quốc triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 73, 88, 72.
10. Hồng Trà: ““Chính phủ kiến tạo” tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng”, báo điện tử VnEconomy, (http://vneconomy.vn/chinh-phu-kien-tao-tai-viet-nam-qua-dinh-nghia-cua-thu-tuong-2017111816395712.htm.)
TS. Phạm Văn Phong
TS. Nguyễn Hữu Luận
Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023