Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển
Cuốn sách tập hợp những tiểu luận, bài viết của GS. TS. Đinh Xuân Dũng trong 5 năm qua, có cấu trúc gồm hai phần chính: Phần một, Một số vấn đề lý luận văn hóa, là những bài nghiên cứu lý luận mới nhất được thực hiện từ tháng 7/2021 cho đến tháng 8/2022. Bên cạnh bài viết chính định hướng chủ đề Phát triển văn hóa trở thành động lực nội sinh và hệ điều tiết phát triển theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, là các bài viết mới đặt ra những vấn đề trước đây trong nghiên cứu văn hóa còn ít hoặc chưa được đề cập đến như: Về chức năng điều tiết sự vận động và phát triển xã hội của văn hóa Việt Nam, Cảm nhận hay phác thảo về hệ giá trị quốc gia, Thời kỳ quá độ và sự nghiệp “trồng người”, Nghĩ về sự biến đổi và khả năng định hình các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, Văn hóa đời thường với sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội hiện đại...
Từ nghiên cứu thực tiễn, GS.TS. Đinh Xuân Dũng có những đúc kết về lý luận, đưa ra một số nhận định, suy nghĩ mới về các vấn đề nêu trên, đồng thời khẳng định những chuẩn mực văn hóa dân tộc được vun đắp qua từng thế hệ đã trở thành hệ điều tiết sự phát triển, giúp điều chỉnh hành vi, nhận thức, hướng con người đến chân, thiện, mỹ, tạo dựng một môi trường xã hội văn minh, hài hòa. Trong 14 bài viết ở phần một cuốn sách, tác giả đưa ra những luận điểm cùng lập luận về hai nội dung lớn được gợi ý từ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, làm rõ vấn đề văn hóa phải là nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển đất nước và vì chính sự phát triển bền vững đó mà cần phát huy cao độ chức năng điều tiết vốn có của văn hóa. Từ đó, giúp độc giả thấy rõ sự nhất quán, những bổ sung, điều chỉnh và phát triển trong hệ thống quan điểm của Đảng ta về văn hóa.
Những vấn đề được đề cập đã nêu bật vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước, từng bước định hình hệ giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam. Theo tác giả, văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội, là những giá trị, chuẩn mực đã trở thành nhu cầu tự thân, bên trong con người, chi phối, điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm, hành vi và các mối quan hệ của mỗi người và cả cộng đồng, tạo nên các giá trị nhân cách, trở thành nền tảng tinh thần, định hướng và có sức mạnh điều tiết xã hội vì sự phát triển bền vững. Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở những quan hệ cá nhân, cộng đồng mà còn có chức năng điều tiết các quan hệ của toàn xã hội, của một quốc gia. Từ chiều cạnh của hệ điều tiết, sự phát triển, văn hóa không chỉ tác động ở dạng vi mô, cụ thể mà còn phát huy mạnh mẽ đối với sự phát triển vĩ mô trong các lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội.
Phần hai, Tiếp nhận tác phẩm, Các nghiên cứu mới thể hiện trong cuốn sách được nêu lên qua những tham chiếu từ kinh nghiệm vận dụng chức năng điều tiết phát triển xã hội của văn hóa ở Trung Quốc và các nước châu Âu cho đến những thành công của một số nước khu vực Đông Nam Á. Đối chiếu thực tiễn nước ta cùng những phân tích sâu sắc về hệ giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam, tác giả giúp người đọc từng bước nắm bắt được những định hướng đúng đắn về hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam, phát huy chức năng điều tiết của văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn, khoa học chức năng điều tiết của văn hóa với chức năng điều chỉnh của pháp luật và xây dựng các giá trị quốc gia nhằm định hướng, điều tiết hoạt động của con người.
Trên cơ sở nền tảng văn hóa dân tộc và sự tiếp nhận từ văn hóa nhân loại, tác giả bước đầu đã đưa ra những phác thảo về hệ giá trị quốc gia dưới góc nhìn của một nhà khoa học, hướng tới một hệ giá trị Việt Nam “Độc lập và giàu mạnh; Dân chủ và pháp quyền; Bình đẳng và hạnh phúc”. Trong đó chứa đựng các giá trị truyền thống của dân tộc và tính thời đại, đó là tinh thần độc lập, tự chủ, lòng yêu nước, khát vọng giàu mạnh, tình đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình cùng chung, có cuộc sống hài hòa cá nhân, cộng đồng với các giá trị: dân chủ, bình đẳng, phát triển nhân cách gắn kết với giá trị truyền thống. Khi những giá trị đó định hình và thấm sâu trong nhân cách, các chủ thể văn hóa hoàn toàn có thể chủ động và đủ bản lĩnh tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa thật sự trở thành nguồn lực vô tận, động lực nội sinh của dân tộc để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích đối với cán bộ ngành văn hóa các cấp trong việc nhận thức, tham mưu, đề xuất đường lối, chính sách phát triển văn hóa giai đoạn hiện nay, đồng thời cung cấp những tư liệu quý, giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam, từ đó biết trân quý và phát huy những giá trị nhân văn cao đẹp trong truyền thống dân tộc.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023