Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 11/11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu, Trung Quốc. Với tầm nhìn chiến lược, tháng 6/1925, Người chính thức thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, lấy tổ chức “Cộng sản đoàn” làm nòng cốt cho Hội, đào tạo cán bộ cộng sản để lãnh đạo Hội và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Thông qua những hội viên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và phong trào “vô sản hóa”, luồng tư tưởng mới của thời đại đã xâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Có một tổ chức, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng bằng việc mở các lớp huấn luyện chính trị. Bảy mươi lăm học viên của ba lớp huấn luyện chính trị cách mạng tại Quảng Châu trong hai năm 1926 - 1927 là những “hạt giống đỏ” được đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn lựa, rèn luyện, trưởng thành và từ đó, lớp lớp thanh niên cách mạng kế tiếp xuất hiện ở trong nước.
Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản sách và báo chí làm phương tiện tuyên truyền. Báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo, đồng thời là cây bút chủ chốt (số đầu tiên ra ngày 21/6/1925). Cùng với việc xuất bản báo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn biên soạn cuốn sách Đường cách mệnh, gồm những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 -1927.
Văn kiện Đảng về an ninh, trật tự (1924 - 2024), Tập 1 (1924 - 1928) phản ánh quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người đến Quảng Châu, Trung Quốc và hoạt động với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Quốc tế Nông dân phụ trách theo dõi và chỉ đạo phong trào nông dân ở châu Á, đồng thời bắt tay chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam vào đầu năm 1930.
Tập sách gồm 23 tài liệu (gồm phần văn kiện chính và phần phụ lục). Các văn kiện được in theo nguyên bản tiếng Việt và dịch từ tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức..., có nhiều chữ viết tắt, từ cổ, tiếng nước ngoài, tên người, tên tổ chức. Nhà xuất bản giữ nguyên văn theo bản gốc tài liệu hoặc bản dịch và chú thích dưới chân trang.