Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh, Đảng ta đã đúc rút được nhiều bài học quý báu về giành chính quyền và giữ chính quyền; một trong những bài học đó là bảo vệ chính quyền xôviết và phong trào cách mạng của quần chúng, bảo vệ cán bộ của Đảng; chống địch khủng bố trắng, trấn áp, trừng trị bọn phản động, Việt gian, cường hào gian ác, giữ gìn trật tự, trị an trong các làng, xã. Đảng nhận định cần phải tổ chức, duy trì và phát triển “Đội tự vệ đỏ” - lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của Đảng và các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các vùng, miền trong cả nước.
Theo đó, Đảng ta đã xác định tổ chức đội tự vệ công nông là một vấn đề quan trọng; khi có đấu tranh thì đội tự vệ phải đi đầu, đi kèm quần chúng mà hộ vệ và bênh vực đấu tranh. Đặc biệt, sau khi các chính quyền xôviết bị thất bại, địch thực hiện khủng bố trắng lực lượng cách mạng của ta, đàn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân ta, Đảng đã nhận định: “Đối đầu với khủng bố trắng thì vấn đề hộ vệ quần chúng hằng ngày và trong các cuộc tranh đấu là vấn đề cần thiết quan trọng cho cách mạng”. Vì thế, tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã thông qua Nghị quyết vô cùng quan trọng về “Đội tự vệ đỏ”. Nghị quyết đã chỉ rõ “không có một sản nghiệp nào, một làng nào có cơ sở của Đảng, của Đoàn, của các hội quần chúng cách mạng mà không có tổ chức đội tự vệ, đó là khẩu hiệu của chúng ta hiện nay”. Khi cuộc vận động Mặt trận Dân chủ Đông Dương phát triển thành cao trào cách mạng dân tộc, dân chủ mở rộng, Đảng ta đã chỉ thị phải lập ủy ban hành động trong các làng xã (do Nông hội cử ra), lúc tuyên bố đấu tranh thì đổi thành “ban tranh đấu” do quần chúng cử ra. Mỗi cấp cũng phải tổ chức đội tự vệ để ngăn cản những kẻ phá rối cuộc đấu tranh và để đối phó với các lực lượng phản động. Đây chính là các tổ chức mang tính vũ trang giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ cán bộ, quần chúng trong những năm đầu khi Đảng mới được thành lập, lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân.
Văn kiện Đảng về an ninh, trật tự (1924 - 2024), Tập 3 (1933 -1936) có 27 tài liệu (văn kiện chính và phụ lục) về tình hình an ninh, trật tự cũng như về các tổ chức, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự có tính vũ trang trong giai đoạn 1933 - 1936. Bên cạnh đó, tập sách còn có các bài phát biểu, báo cáo của lãnh đạo Đảng và thư của Quốc tế Cộng sản gửi Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời gian này.