Những năm 1937 - 1940, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Đến đầu năm 1939, nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh thế giới do chủ nghĩa phát xít gây ra đang cận kề. Cuộc khủng hoảng kinh tế có quy mô toàn thế giới những năm 1929 - 1933 đã làm cho mâu thuẫn hai thế lực trong phe đế quốc chủ nghĩa giữa các nước đế quốc ra đời trước và các cường quốc mới trỗi dậy vốn đã sâu sắc càng được đẩy lên đến đỉnh điểm. Các thế lực đế quốc hiếu chiến tìm mọi cách phát xít hóa bộ máy, mưu toan gây ra một cuộc chiến tranh để giải quyết khủng hoảng ở trong nước, toan tính phân chia lại thị trường thế giới. Sự ra đời và hoạt động của chủ nghĩa phát xít đã làm dấy lên làn sóng phản phát xít và chống đế quốc chiến tranh lan rộng khắp thế giới, nhất là ở Âu - Mỹ. Các tổ chức vô sản giai cấp đã bắt đầu liên hiệp, thống nhất lại và vận động dân chúng chống đế quốc. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản chủ trương tập hợp mọi lực lượng dân chủ, hòa bình, chống chế độ phản động, chống chủ nghĩa phát xít. Ở Pháp, năm 1935, Mặt trận bình dân Pháp được thành lập và giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử và đứng ra thành lập chính phủ. Sau thắng lợi của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương đẩy mạnh hoạt động mọi mặt nhằm tập hợp quần chúng, giác ngộ tổ chức quần chúng đưa họ vào con đường đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939) đánh dấu một bước trưởng thành lớn của Đảng trong vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu trong lịch sử của Đảng. Đảng đã vượt qua sự đàn áp đẫm máu của kẻ thù, khôi phục, phát triển từ cơ sở đến trung ương trên phạm vi toàn Đông Dương, lãnh đạo nhân dân Đông Dương đấu tranh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện mới và kết hợp cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình. Đảng đã kịp thời chuyển hướng chiến lược, sáng tạo một hình thức mặt trận mới, huy động quần chúng, tập dượt quần chúng để thực hiện từng bước nhiệm vụ chiến lược trong tình hình thế giới đã thay đổi. Đồng thời, Đảng chú trọng lãnh đạo cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại các trào lưu tư tưởng phi vô sản, chống tả khuynh, hữu khuynh để xây dựng sự đoàn kết nhất trí về tư tưởng và hành động trong Đảng. Từ thắng lợi của cao trào Mặt trận dân chủ, Đảng ta đã trưởng thành hơn, phát triển hơn, thu được những kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo quần chúng trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở giai đoạn tiếp theo.
Văn kiện Đảng về an ninh, trật tự (1924 - 2024), Tập 4 (1937-1940) có 27 tài liệu (văn kiện chính và phụ lục), gồm các văn kiện: Đảng Cộng sản Đông Dương và Đông Dương Đại hội; Nghị quyết của toàn thể Hội nghị của Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1938; Thông cáo của Xứ ủy về cuộc vận động dân đói, cuộc dự bị tranh đấu chống địa tô và đòi tăng công gặt; Nghị quyết của Ban Trung ương Đảng tháng 11/1939 và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 11/1940...