Trong những năm 1950 - 1953, bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường, thực dân Pháp lùi sâu vào thế bị động. Phong trào nhân dân Pháp đòi chấm dứt chiến tranh ngày càng lên mạnh. Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Pháp thay đổi chỉ huy và kế hoạch tác chiến hòng tìm lối thoát danh dự bằng một thắng lợi quân sự. Đến giữa tháng 11/1953, thực dân Pháp tập trung mọi cố gắng, với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, xây dựng Điện Biên Phủ - vị trí có ý nghĩa chiến lược không chỉ đối với Tây Bắc Việt Nam mà cả vùng Thượng Lào và Bắc Đông Dương thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, với ý đồ thách thức quân và dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta, đi đến kết thúc cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.
Nhận rõ thủ đoạn của thực dân Pháp, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bàn về nhiệm vụ quân sự, phân tích sâu sắc thế chiến lược giữa ta và địch, ban hành Nghị quyết thông qua kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, phối hợp trên phạm vi cả nước và phối hợp trên toàn Đông Dương. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch.
Một ngày sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra. Theo đó, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Đồng thời, Hiệp định đặt cơ sở chính trị - pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sau này.
Ở miền Bắc, cuộc cải cách ruộng đất diễn ra từ năm 1953 đến năm 1956 nhằm thực hiện “người cày có ruộng”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc thi hành cải cách ruộng đất có nơi thực hiện không đúng chỉ đạo của Trung ương Đảng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhận ra sai lầm, khuyết điểm, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, công khai nhận khuyết điểm và hành động quyết liệt để sửa chữa, khắc phục và luôn coi đó là bài học kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng Đảng sau này.
Ở miền Nam, nhân dân ta tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đồng thời ra sức tìm phương pháp đấu tranh thích hợp để vừa đẩy mạnh cách mạng miền Nam, hạn chế tổn thất, vừa bảo vệ miền Bắc, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình thế giới.
Văn kiện Đảng về an ninh, trật tự (1924 - 2024), Tập 8 (1953 - 1956) có 48 tài liệu, phần văn kiện chính gồm 45 tài liệu; phần phụ lục gồm 3 tài liệu. Các văn kiện tuyển chọn trong tập này gồm Nghị quyết các Hội nghị Trung ương 7, 8 và 10 (khóa II); các nghị quyết, chỉ thị, báo cáo, thông tri, điện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng trên mặt trận an ninh, trật tự với nhiều chủ trương quan trọng, như: việc phá cuộc “tuyển cử” của chính quyền bù nhìn; việc địch phá giá đồng Đông Dương và đối sách của ta; công tác tiếp thu và quản lý các thành phố, thị trấn mới được giải phóng; việc đấu tranh chống thực dân Pháp và Ngô Đình Diệm dụ dỗ, bắt ép một số đồng bào ta vào miền Nam; việc trấn áp bọn phá hoại, bọn gián điệp đang hoạt động chống Chính phủ và nhân dân...