Trải qua 72 năm kể từ khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nga đã ghi sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân hai nước. Vượt qua những thăng trầm, biến động lịch sử, hai nước tiếp tục giữ vững mối quan hệ và phát triển mối quan hệ thành đối tác chiến lược vào năm 2012. Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Nga được thể hiện qua sự gắn bó, hiểu biết và tin cậy; sự giúp đỡ và hợp tác lẫn nhau trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ của nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc, khôi phục kinh tế sau ngày đất nước được thống nhất, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay. Chặng đường 72 năm quan hệ Việt Nam - Nga đã trở thành đề tài của nhiều ấn phẩm cả ở Nga và ở Việt Nam. Đã có hàng trăm cuốn sách được xuất bản, phản ánh những khía cạnh khác nhau của quan hệ hợp tác giữa hai đất nước. Tuy nhiên, vẫn chưa có một ấn phẩm nào trình bày một cách toàn diện về bề dày lịch sử và mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, toàn diện giữa hai nước.
Cuốn sách Chặng đường vẻ vang quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga do TS. Ngô Đức Mạnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga nhiệm kỳ 2018 - 2021 biên soạn, tập hợp những sự kiện quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước; sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu từ rất nhiều nguồn khác nhau, xúc tiến quan hệ với các hãng thông tấn, các cơ quan lưu trữ Nga và bạn bè ở cả Việt Nam và Nga để có đủ thông tin, nguồn tư liệu.
Cuốn sách được chia làm 5 phần, không chỉ tái hiện bức tranh toàn cảnh về quan hệ giữa Việt Nam và Nga trong 72 năm mà còn hệ thống lại những sự kiện nổi bật trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến nước Nga Xôviết (1923 - 1924) được đánh giá là đã đặt nền móng cho quan hệ giữa hai nước. Trong phần mở đầu, tác giả giới thiệu khái quát về Việt Nam, Liên bang Nga với những thông tin cơ bản về hai đất nước. Phần II là những hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga với những tư liệu quý hiếm về thời gian Người hoạt động ở nước Nga Xôviết như văn bản đề ngày 16/6/1923, cho phép Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ấy có bí danh là Chen Vang được quyền nhập cảnh vào nước Nga Xôviết; một giấy chứng nhận từ tháng 12/1923 ghi rằng đồng chí Nguyễn Ái Quốc là cán bộ Cục Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, rồi tấm thẻ ra vào để tham dự cuộc tuần hành ngày 1/5/1924 trên Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva… Phần III, nhấn mạnh vào quá trình Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, khôi phục kinh tế sau chiến tranh, từ 1950 đến 1990. Phần IV, nêu bật quá trình hai nước Việt Nam và Liên Bang Nga định hình và xác lập tính chất của mối quan hệ và phát triển cho phù hợp hoàn cảnh mới sau khi Liên Xô tan rã. Phần 5, trình bày những sự kiện chính trong mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước kể từ khi ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Trong mỗi giai đoạn kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cuốn sách trình bày cụ thể các lĩnh vực hợp tác như: chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học, giao lưu nhân dân... với rất nhiều tư liệu, hình ảnh lịch sử. Đồng thời, cuốn sách còn trích dẫn hồi ký, nhận xét của các vị lãnh đạo, các nhà nghiên cứu và của các nhân chứng lịch sử được thực hiện dành riêng cho ấn phẩm này với mong muốn làm phong phú thêm các bài viết, bình luận của tác giả với nhiều thông tin, số liệu cụ thể.
Với sự phong phú về tư liệu lịch sử, hơn 700 hình ảnh, cuốn sách được đánh giá là “pho bách khoa toàn thư” về quan hệ giữa hai nước; góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hướng tới những bước phát triển tiếp theo trong thời gian tới.