Cuốn sách Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Tập IV : Bước ngoặt của cuộc kháng chiến nằm trong bộ sách Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, gồm 7 tập, docác chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Viện Lịch sử quân sự biên soạn. Đây là công trình đồ sộ, công phu, có giá trị khoa học và thực tiễn, tái hiện tương đối toàn diện, đầy đủ và có hệ thống về diễn biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; phân tích, đánh giá, luận giải những vấn đề cơ bản về tính chất, đặc điểm, tầm vóc và ý nghĩa thắng lợi, rút ra những vấn đề có tính quy luật, tính lý luận, những bài học lịch sử có thể nghiên cứu vận dụng và phát huy vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Tập IV của bộ sách phản ánh cuộc kháng chiến của dân tộc ta trong năm 1950. Đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng trên nhiều phương diện; đang đứng trước những thuận lợi căn bản, song nhiều khó khăn, phức tạp nảy sinh, do tác động của tình hình quốc tế và khu vực. Mặc dù ngày càng sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương hao người, tốn của, phải điều chỉnh chiến lược chiến tranh và gặp phải sự phản đối quyết liệt của chính nhân dân Pháp, song giới cầm quyền chóp bu ở Pari vẫn quyết tâm đeo đuổi cuộc chiến tranh, tiếp tục thực hiện chiến tranh tổng lực, đánh phá ta cả về quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Về chính trị, chúng tăng cường củng cố chính quyền Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại cầm đầu, lợi dụng tôn giáo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ráo riết thi hành chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đặt chiến tranh xâm lược Đông Dương trong kế hoạch chống cộng sản chung của các nước phương Tây, tranh thủ sự ủng hộ, viện trợ của đế quốc Mỹ. Về quân sự, quân Pháp ở Đông Dương ráo riết triển khai Kế hoạch Rơve, tăng quân số và biến Bắc Bộ thành chiến trường chính, mở hàng loạt cuộc hành quân với đủ loại quy mô, thời gian và cường độ nhằm chiếm đóng các vùng tự do và bình định vùng tạm chiếm trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam, mà quan trọng là vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, tích cực tranh thủ sự đồng tình ủng hộ quốc tế, phối hợp chiến đấu với cách mạng Lào, Campuchia; tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng kháng chiến, đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên khắp mọi miền đất nước. Đến Thu - Đông 1950, tiến hành thắng lợi Chiến dịch Biên giới, giành lấy quyền chủ động chiến lược, tạo nên bước ngoặt của cuộc kháng chiến, bước vào thời kỳ “sức ta mạnh hơn sức địch”, là cơ sở để giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.