Kinh tế và quốc phòng là hai lĩnh vực trọng yếu của mỗi quốc gia - dân tộc. Đây là hai lĩnh vực riêng biệt, kinh tế là lĩnh vực xây dựng sản xuất, còn quốc phòng là lĩnh vực phòng thủ bảo vệ đất nước. Tuy vậy, kinh tế và quốc phòng lại có mối quan hệ biện chứng, tác động hữu cơ với nhau. Kinh tế là cơ sở vật chất, nền tảng tạo nên sức mạnh quốc phòng, kinh tế mạnh là điều kiện cho quốc phòng mạnh. Xây dựng, phát triển kinh tế là tạo tiền đề vật chất quan trọng để củng cố quốc phòng, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Ngược lại, quốc phòng được bảo đảm sẽ tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước về mọi mặt. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong kế hoạch phát triển kinh tế của cả nước và trên từng địa phương.
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua luôn bị chi phối và tác động bởi các yếu tố về dân tộc, dân cư, trình độ dân trí, sự phân hóa giàu nghèo, vấn đề tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn chống phá nhiều mặt của các thế lực thù địch, phản động. Chính vì vậy, việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng ở Tây Nguyên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo và đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng nhằm phát triển bền vững Tây Nguyên.
Cuốn sách: Kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng ở Tây Nguyên giai đoạn 1996 - 2010 của TS. Lê Nhị Hòa - giảng viên Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn các quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như quá trình kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian gần đây.
Cuốn sách phân tích những vấn đề lý luận về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng; những quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên; vị trí chiến lược của Tây Nguyên, những nhân tố ảnh hưởng và quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng ở Tây Nguyên thời kỳ 1996 - 2010. Thông qua đó, cuốn sách rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu về giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự ổn định chính trị - xã hội, về phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, về xây dựng “thế trận lòng dân”… trong quá trình kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng ở Tây Nguyên nói riêng cũng như trong cả nước nói chung. Cuốn sách cũng cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng Tây Nguyên, đảm bảo cho Tây Nguyên ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.