Cuốn sách Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 10: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) nằm trong bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam gồm 14 tập của Viện Lịch sử quân sự, được tiến hành nghiên cứu, biên soạn với sự hợp tác tích cực của các cơ quan, các nhà nghiên cứu hàng đầu của giới sử học nước nhà và sự nỗ lực của tập thể cán bộ nghiên cứu của Viện trong vòng 20 năm, từ những năm 1990. Năm 2014, bộ sách đã được ra mắt bạn đọc lần đầu. Năm 2019, được sự đồng ý của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự đã tiến hành chỉnh sửa, bổ sung, tái bản bộ sách. Đến nay, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của độc giả và tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách. Đây là công trình nghiên cứu đồ sộ, công phu, có giá trị khoa học và thực tiễn, phục dựng lại toàn bộ hoạt động quân sự của dân tộc trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, cũng như những cố gắng mở nước của cha ông và các cuộc nội chiến từ thời Hùng Vương - An Dương Vương cho đến ngày nay.
Nội dung cuốn sách được chia thành 6 chương:
Chương I: Bối cảnh lịch sử và đối tượng kháng chiến, trình bày hoàn cảnh quốc tế và trong nước khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhấn mạnh thực trạng đất nước, các điều kiện khó khăn và thuận lợi khi bước vào kháng chiến. Chương này cũng làm rõ âm mưu của chủ nghĩa đế quốc đối với Việt Nam, những điểm mạnh, yếu của thực dân Pháp.
Chương II: Những chặng đường phát triển của cuộc kháng chiến, nêu lên một cách khái quát các chặng đường của tiến trình kháng chiến, bằng những cột mốc chính: Từ kháng chiến ở miền Nam (9/1945) đến toàn quốc kháng chiến (12/1946) và chiến dịch phản công Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; phát triển chiến tranh du kích, từng bước tiến lên vận động chiến, bước đầu đánh bại âm mưu kéo dài và mở rộng chiến tranh của địch (1948-1950); phát triển tiến công và phản công, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến (1951-1954). Chương III: Sự phát triển tư tưởng quân sự, trình bày rõ tư tưởng về chiến tranh nhân dân, toàn dân kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do và giải phóng dân tộc, về tính chất chính nghĩa của kháng chiến, quan điểm kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính; tư tưởng về sự thống nhất giữa chiến tranh, chủ nghĩa nhân đạo và nền hòa bình chân chính.
Chương IV: Sự phát triển tổ chức quân sự, khái quát về quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của các lực lượng vũ trang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chương V: Sự phát triển hậu cần, kỹ thuật quân sự, nêu lên những bước trưởng thành của các ngành bảo đảm vật chất kỹ thuật cho cuộc kháng chiến qua từng giai đoạn chiến tranh.
Chương VI: Sự phát triển nghệ thuật quân sự, trình bày rõ sự tiếp nối, kế thừa và phát triển của nghệ thuật quân sự cả về chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Nội dung cuốn sách giúp độc giả nhận rõ cuộc kháng chiến trải qua hơn ba nghìn ngày đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng, tự hào - kể từ 23/9/1945 đến 20/7/1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.