Cuộc đàm phán Paris và Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước và là thành công lớn nhất trong lịch sử ngoại giao của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh, để lại những bài học thực tiễn vô giá về đấu tranh ngoại giao.
Tại Hội nghị Paris, khả năng đàm phán của phái đoàn Việt Nam được nâng lên thành nghệ thuật. Và những yếu tố cơ bản tạo nên nghệ thuật đàm phán đó là: Chúng ta đã xác định và kiên trì kế sách “vừa đánh, vừa đàm” trong suốt quá trình đàm phán; Đàm phán phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị với mục tiêu hàng đầu là tấn công, kiềm chế địch, tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của bạn bè và dư luận quốc tế; Biết phát huy điểm mạnh cơ bản của ta là chính nghĩa dân tộc và khoét sâu chỗ yếu của địch là chiến tranh phi nghĩa; Luôn nắm vững và phát huy quyền chủ động, không ngừng tấn công đối phương, đề cao thiện chí hoà bình của ta; Xây dựng được lý lẽ, lập luận đấu tranh sắc bén, có sức tấn công, có sức thuyết phục, đẩy lùi các thủ đoạn xuyên tạc biện bạch của địch; Xác định phương châm giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi cuối cùng;... Nghệ thuật đàm phán của phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Pari đã được Cố vấn Tổng thống Mỹ lúc đó là Kissinger đánh giá: “Những nhà đàm phán Việt Nam khi đã thắt thì họ biết thắt rất chặt, và khi muốn mở thì cũng biết mở khéo để đi vào thương lượng thực chất”.
Tất cả những vấn đề về phương châm, sách lược, kế sách, nghệ thuật đàm phán, diễn biến gay go quyết liệt trong 4 năm 8 tháng 16 ngày cùng nhiều thông tin rất giá trị xung quanh cuộc đàm phán lịch sử này đã được ghi lại, kể lại trong những hồi ký, hồi ức, bài viết của những nhân chứng lịch sử đã từng tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc đàm phán, những nhà nghiên cứu quan tâm đến sự kiện này. Những hồi ký, hồi ức, bài viết, nghiên cứu đó đã được Bộ Ngoại giao tập hợp và kết hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ra mắt bạn đọc vào năm 2003 trong cuốn sách Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam. Cuốn sách được giải thưởng sách Việt Nam 2005. Được độc giả yêu mến, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tái bản cuốn sách phục vụ nhu cầu nghiên cứu và học tập của bạn đọc.
Ngoài phần mở đầu đăng trích dẫn ý kiến chỉ đạo và đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng về cuộc đàm phán Paris, cuốn sách gồm 4 phần chính và ba phụ lục:
Phần một: Đánh - đàm và ký kết Hiệp định. Đây là nội dung cơ bản của cuốn sách, gồm 18 bài viết đều do những người từng trực tiếp tham gia cuộc đàm phán thể hiện, đã khắc họa khá rõ nét cuộc đấu trí, đấu lý gay go, quyết liệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong gần 5 năm thương lượng và đi đến ký kết Hiệp định hoà bình.
Phần hai: Đấu tranh thi hành Hiệp định, nói về thời kỳ đấu tranh không kém phần gay go quyết liệt nhằm giữ vững những thành quả của Hiệp định, đồng thời góp phần xác định ý đồ và đẩy lùi khả năng Hoa Kỳ có thể can thiệp trở lại khi quân dân ta mở chiến dịch giải phóng miền Nam.
Phần ba: Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, đi sâu phân tích, làm sáng tỏ đường lối kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam với quy mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Phần bốn: Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa và bài học, bao gồm các bài bình luận, chính luận tập trung làm rõ đường lối, chiến lược, sách lược và những bước đi ngoại giao của Việt Nam trước những âm mưu, ý đồ và hành động xảo quyệt của đối phương. Qua đó, độc giả hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn về nguyên nhân thành công và ý nghĩa thắng lợi của cuộc đàm phán lịch sử.
Phần Phụ lục: gồm nội dung văn bản Hiệp định; Đại sự ký về đàm phán Paris và những sự kiện lớn liên quan; Giác thư của Ngoại trưởng H.Kissinger gửi Tổng thống Hoa Kỳ G.Ford.
Qua nội dung cuốn sách, các thế hệ ngoại giao hôm nay và mai sau có thể học hỏi kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh. Đồng thời, với những bài viết có giá trị, những bài học bổ ích được rút ra, cuốn sách không những là tài liệu thiết thực trong lĩnh vực đối ngoại mà còn là một tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác.
Sách gồm 550 trang, có thể tìm mua tại nhà sách 24 Quang Trung, Hà Nội và các chi nhánh của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều cửa hàng sách trong cả nước.
GIAO LINH