Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc tích cực chuẩn bị đất nước mọi mặt từ trước, ngay trong thời bình để xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh; chủ động ngăn ngừa, xử lý, đẩy lùi, triệt tiêu các nhân tố có thể phát triển thành các nguy cơ, thách thức đe dọa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, sự ổn định chính trị của đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc, cũng như môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Quan điểm này là kết quả sự phát triển tư duy mới, lý luận nhận thức mới của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thể hiện tính biện chứng của quá trình nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, phương châm, nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của quốc phòng, an ninh phù hợp với bối cảnh mới, trước tác động đa chiều của tình hình thế giới, khu vực với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII (2016), lần đầu tiên Đảng đề cập kế sách chủ động bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến"1. Đến Đại hội XIII (2021), kế sách này được bổ sung, phát triển: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển”2. Trước đó, vấn đề này được xác lập trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đây cũng là kết quả của bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta về quốc phòng an ninh, đối tác, đối tượng, về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc tài liệu nghiên cứu, tham khảo về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa do Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an chủ biên.
Nội dung cuốn sách tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về nội dung, cơ chế, nhiệm vụ và các giải pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trên cơ sở nhận định, đánh giá, dự báo tình hình, cục diện và các xu hướng vận động, phát triển của thế giới, khu vực, trong nước; gắn sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc với xây dựng, đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước hiện nay.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.149.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.156-157.