Cuốn sách gồm 512 trang, bố cục theo 14 chương, giới thiệu một cách có hệ thống các nội dung của ngoại giao như: các khái niệm ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, thư tín ngoại giao, tiếp xúc ngoại giao, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, đàm phán ngoại giao, văn kiện ngoại giao, lễ tân ngoại giao và quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao.
Theo tác giả - PGS. TS. Vũ Dương Huân, có rất nhiều cách hiểu khác nhau về ngoại giao, nhưng qua sự phân tích của mình, tác giả rút ra một số nhận xét về ngoại giao như: là hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, ngoại giao là công cụ quan trọng nhất, công cụ hòa bình, thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia; là tất cả các cơ quan chuyên trách về quan hệ đối ngoại ở trung ương cũng như ở nước ngoài và những cán bộ làm công tác ngoại giao nhà nước; là nghề nghiệp của nhà ngoại giao; là khoa học và nghệ thuật, trước hết là nghệ thuật đàm phán; mang tính giai cấp sâu sắc. Và có nhiều tiêu chí để phân loại ngoại giao như: theo chế độ xã hội, theo chủ thể, nội dung hoạt động, hình thức thể hiện, số lượng các bên tham gia… Khi đề cập đến sự phát triển của ngoại giao, tác giả cho rằng, ngoại giao là hoạt động của nhà nước, xuất hiện cùng với nhà nước, là sản phẩm của xã hội có giai cấp. Chế độ kinh tế - xã hội nào thì có kiểu ngoại giao đó. Lịch sử ngoại giao là lịch sử thay thế và có kế thừa các kiểu ngoại giao. Có ngoại giao cổ đại, ngoại giao phong kiến, ngoại giao cận đại, ngoại giao hiện đại.
Cuốn sách có thể xem là một giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy và học tập trong ngành quan hệ quốc tế, là tài liệu tham khảo bổ ích phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ về hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc.
Lan Hương-Ngọc Huệ