Nhắc đến hiệp định Pari, người ta nhắc nhiều đến các nhân vật có vai trò trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định như đồng chí Lê Đức Thọ - cố vấn đặc biệt Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Nguyễn Thị Bình - Phó Trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) bởi những sáng kiến, đề xuất quan trọng góp phần đưa cuộc đàm phán đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, trên hết, thắng lợi trong đàm phán, ký kết Hiệp định Pari thể hiện đậm nét dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Đầu năm 1968, những thắng lợi của quân đội và nhân dân Việt Nam trong các cuộc phản công chiến lược hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn mạnh mẽ làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Johnson phải đơn phương chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam và chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 4/1968, để chuẩn bị cho cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư tối mật vào miền Nam triệu tập đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị ra Bắc nhận nhiệm vụ đi Pari làm Cố vấn đặc biệt cho Trưởng đoàn Xuân Thủy. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động chỉ đạo cách mạng tại miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã đóng vai trò quan trọng, là “linh hồn” của phái đoàn.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Người thường xuyên gửi thư để động viên, đưa ra những chỉ đạo kịp thời đối với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kêu gọi nhân dân trong nước và thế giới đoàn kết, ủng hộ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Đồng thời, trong những giai đoạn cam go, khốc liệt, căng thẳng của cả chiến sự trong nước lẫn trên bàn đàm phán, hai phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn giữ vững lập trường, áp dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “vừa đánh, vừa đàm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đạt kết quả quan trọng nhất, đó là việc Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973. Đây là một thắng lợi lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn sách Hiệp định Pari - Dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh do tập thể tác giả của Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn tuyển chọn, giới thiệu những bức ảnh, tư liệu quý về quá trình trước, trong và sau Hiệp định Pari được ký kết, thể hiện những nhận định tài tình và sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phác họa bức tranh toàn cảnh về quá trình đàm phán, lễ ký kết, cũng như quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện những điều khoản của Hiệp định Pari, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng tư tưởng chỉ đạo và những lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.