Thành tựu nổi bật của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phải kể đến là thành công trong lĩnh vực đối ngoại. Chúng ta đã và đang chủ động hội nhập một cách tích cực có hiệu quả vào đời sống khu vực và quốc tế. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tất cả các tổ chức quốc tế, các tổ chức và định chế kinh tế, tài chính, thương mại chủ chốt như WB, IMF, WTO…, có quan hệ ngoại giao với 176 quốc gia, cùng quan hệ thương mại, đầu tư với 220 nước và vùng lãnh thổ. Có thể khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn và nhạy bén.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của hợp tác cùng phát triển nhằm tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định có lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc đồng thời củng cố và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Hơn nữa, trước tác động của tình hình thế giới và khu vực, với mong muốn “là bạn với tất cả các nước” trong cộng đồng quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội vì mục tiêu hòa bình phát triển cũng như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã và đang tăng cường ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực. Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, Việt Nam ngày càng mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Đông Á. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không nằm ngoài quỹ đạo đó
Việt nam - Nhật Bản với Điều kiện địa lý và lịch sử đã gắn bó hai dân tộc từ ngàn xưa, tuy nhiên, mối quan hệ hai nước không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thực tế đã trải qua không ít những thăng trầm. Điều đáng chú ý là trong những điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, khi quan hệ hai nước rơi vào tình trạng băng giá thì các mối liên hệ dưới nhiều hình thức vẫn được duy trì. Cũng chính trong những thời điểm đó, các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước càng nhận thức sâu sắc rằng, mối quan hệ hữu nghị truyền thống này là tài sản vô giá, cần củng cố, giữ gìn vì lợi ích chung của cả hai dân tộc. Vì vậy quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã được chính thức thiết lập từ ngày 21-9-1973 và phát triển ngày càng mạnh mẽ, tính đến nay quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua gần 40 năm. Đó là mối quan hệ lịch sử, truyền thống và khá lâu đời. Có thể nói, việc tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật bản là một yêu cầu khách quan, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Trước bối cảnh mới, để phục vụ cho công cuộc phát triển của mỗi nước, tăng cường tiềm lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, tạo điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, một yêu cầu tất yếu, khách quan đặt ra cho cả hai nước là không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện và nâng lên tầm quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (ngày 22-4-2009). Thực tế đã chứng minh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản không chỉ được mở rộng, phát triển mạnh mẽ trong hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục... mà nhiều lĩnh vực vốn rất nhạy cảm như chính trị, an ninh, đối ngoại... cũng đã được hai bên rất quan tâm và bước đầu thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Những thành tựu đó không những tạo cơ sở trực tiếp làm gia tăng sức mạnh của mỗi nước mà còn đóng góp không nhỏ vào tiến trình xây dựng một Cộng đồng Đông Á thống nhất, hòa bình, ổn định và phát triển. Do vậy, việc nghiên cứu sự vận động, những biến chuyển của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau chiến tranh lạnh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời đây cũng là một đóng góp nhất định đối với việc nghiên cứu về quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới hiện nay. Xuất phát từ những nhận thức trên cuốn sách Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản sau chiến tranh lạnh làm rõ thực trạng về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực (chính trị, đối ngoại, kinh tế và các lĩnh vực khác) từ năm 1991 đến năm 2012 và đưa ra dự báo triển vọng quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, qua đó đề xuất một số kiến nghị mang tính định hướng nhằm giữ vững, xây dựng và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.