Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh

Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh
Tác giả:
Số trang: 0 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản:
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Trong gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, Mỹ và Nga dần hướng sự quan tâm của mình đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, nhằm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ổn định và cân bằng hướng về lâu dài. Còn đối với Việt Nam, chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga có sự thay đổi gì so với trong thời kỳ Chiến tranh lạnh? Liệu Việt Nam có thể trở thành đối tác bình đẳng được với Nga và Mỹ trong quan hệ đối ngoại không? Hay trong tương lai, quan hệ song phương của Mỹ và Nga đối với Việt Nam sẽ như thế nào?... Những câu hỏi này sẽ lần lượt được trả lời trong các chương của cuốn sách Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh do Tiến sĩ Bùi Thị Thảo, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế, biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một bức tranh khách quan, sinh động và tương đối toàn diện về tiến trình phát triển chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam trong và sau Chiến tranh lạnh.

    Bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và có những yếu tố khó lường. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu kéo theo đối đầu với hai cực Xô - Mỹ cũng chấm dứt. Cục diện thế giới và quan hệ chính trị quốc tế đã thay đổi về cơ bản, dẫn đến hình thành trật tự thế giới mới và tập hợp lực lượng mới. So sánh lực lượng trên bình diện toàn cầu,từ chỗ cân bằng giữa hai hệ thống chính trị - xã hội đối lập, chuyển sang trạng thái mất cân bằng có lợi cho Mỹ và phương Tây. Xuất hiện trật tự thế giới mới: “Nhất siêu (Mỹ), đa cường, đa trung tâm”. Và tình hình quốc tế đã không phát triển một cách hòa bình, ổn định như người ta mong đợi. Sự đối đầu Đông - Tây và hệ tư tưởng, chính trị, quân sự, kinh tế… đã từng chi phối đời sống quốc tế suốt nửa thế kỷ Chiến tranh lạnh, nay đã chuyển hóa dưới hình thức khác, và nổi lên những mâu thuẫn mới. Đó là mâu thuẫn giữa các nước lớn xung quanh việc thiết lập một trật tự thế giới mới. Mỹ vẫn tuyên bố về một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu, lãnh đạo thế giới. Nhưng thực tế đã không diễn ra như ý muốn của Mỹ. Liên Xô tan rã, nhưng Liên bang Nga vẫn tiếp tục tồn tại và tiềm lực quân sự kế thừa Liên Xô, không phải là một cường quốc bại trận để chấp nhận một trật tự thế giới do Mỹ sắp đặt. Các trung tâm kinh tế, các cường quốc khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, đã không ngừng lớn mạnh và luôn tạo cho mình một vị thế đáng kể để chia sẻ quyền lực, chi phối đời sống chính trị thế giới. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức… và của các nước nhỏ trên thế giới. Và thế giới đều mong muốn xây dựng một “trật tự thế giới đa cực”. Trong thế giới đa cực đó, các mâu thuẫn như mâu thuẫn lợi ích dân tộc, mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn về hệ tư tưởng, mâu thuẫn giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển… vẫn tồn tại, với những biểu hiện mới, đã tác động đến chiều hướng phát triển của quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh. Trật tự đa trung tâm hình thành, trong đó, các nước đang và sẽ chuyển từ đối đầu sang đối thoại, bình thường hóa, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế phù hợp với xu thế hòa dịu trên quy mô toàn cầu.

    Chính vì vậy, duy trì hòa bình ổn định trong môi trường quốc tế mới và tìm kiếm vị trí có lợi nhất trong đó là mục tiêu chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong xu thế đó, những điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn, như Mỹ và Nga, luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến tình hình chính trị quốc tế.

    Trên cơ sở phân tích so sánh, cuốn sách “Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh” không chỉ trình bày hệ thống sự điều chỉnh chính sách của mỗi cường quốc Mỹ, Nga đối với Việt Nam qua hai thời kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh, mà còn chỉ ra và đi sâu phân tích những tương đồng và khác biệt trong chính sách của mỗi nước đối với Việt Nam. Đây là nội dung quan trọng, không chỉ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết căn bản, có hệ thống về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Nga đối với Việt Nam mà ở góc độ nhất định, mang lại những hàm ý sâu sắc cho việc hoạch định chính sách của nước ta một cách hiệu quả, phù hợp với từng đối tác trong bối cảnh mới.

    Với kết cấu chặt chẽ, nội dung cuốn sách được chia thành ba chương: Chương I: Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh (1991-2015); Chương II: Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh (1991-2015); và Chương III: Một số nhận xét về sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ và Nga đối với Việt Nam.

    Chương I của cuốn sách tập trung phân tích sự điều chỉnh liên tục, linh hoạt trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ dè dặt giữa trừng phạt và hòa giải (G.H.W. Bush) sang chính sách hợp tác với việc lần đầu tiên xác định “quan hệ đối tác” với Việt Nam (B. Clinton) đến chính sách hợp tác ở mức độ cao hơn và hướng đến cơ chế “đối tác ổn định, bền vững” (G.W. Bush). Quá trình điều chỉnh tuy trải qua nhiều thăng trầm và vẫn còn tiếp diễn nhưng sự điều chỉnh lớn nhất trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ sau Chiến tranh lạnh là chuyển từ đối đầu sang đối thoại và hợp tác đa cấp độ. Sự phát triển trong chính sách trên cho thấy, mặc dù vẫn tồn tại một số khác biệt trong quan hệ hai nước, song vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được Hoa Kỳ chú trọng. Kết quả này đặt nền tảng vững chắc cho những chuyển biến mạnh mẽ trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời Tổng thống Barack Obama hiện nay. Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi điều chỉnh, chính sách của Mỹ đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh đáp ứng những thay đổi có tính thời đại của bối cảnh quốc tế, đáp ứng xu hướng phát triển chung: hòa bình, hợp tác, cùng phát triển của nhân loại.

    Trên cơ sở phân tích những biến động trong chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam thời kỳ 1945-1991 và chính sách của Nga đối với Việt Nam từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thức, chương II đi sâu phân tích nguyên nhân và nội dung sự điều chỉnh chính sách của Nga đối với Việt Nam: từ chính sách “liên minh , trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa và lợi ích quốc gia” của Liên Xô trong Chiến tranh lạnh đến chính sách “bỏ rơi đồng minh” rồi đến “hợp tác” (B. Yeltsin) và “hợp tác toàn diện” (V. Putin) của Nga sau Chiến tranh lạnh. Chương này cũng cho thấy những khác biệt về nội dung và hình thức của quan hệ Nga - Việt thời kỳ sau Chiến tranh lạnh so với quan hệ Xô - Việt (1945-1991), đồng thời chỉ ra lý do của sự khác biệt đó. Có thể nói, chính sách đối ngoại của Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh được khôi phục vào cuối thời kỳ cầm quyền của B. Yeltsin nhưng chỉ thật sự tái sinh dưới thời kỳ cầm quyền của Tổng thống V. Putin (2000-2008) và phát triển mạnh mẽ hơn dưới thời D. Medvedev, đặc biệt là hai nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống V. Putin (từ năm 2012 đến nay).

    Một số nhận xét về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ và Nga đối với Việt Nam thời kỳ sau Chiến tranh lạnh được tác giả đưa vào chương cuối của cuốn sách. Đó là những phân tích, đánh giá khách quan, khoa học về sự tương đồng và khác biệt trong chính sách của mỗi cường quốc đối với Việt Nam; về những tác động từ sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Mỹ, Nga đối với Việt Nam cũng như đối với khu vực Đông Nam Á hay châu Á - Thái Bình Dương. Cuối cùng, tác giả cũng đưa ra một số dự báo bước đầu về chính sách đối ngoại và quan hệ song phương của Mỹ, Nga đối với Việt Nam trong thời gian tới.

    Với những luận chứng súc tích và nguồn tư liệu phong phú, cùng những nhận xét, đánh giá rất hữu ích và đáng tin cậy, cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích đối với các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy, những người tham gia hoạch định chính sách và những độc giả quan tâm tới vấn đề này.

    Hải Bình

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Viện Lịch sử quân sự
    Giá tiền: 161.000 đ
    Tác giả: TS. Nguyễn Văn Duẩn
    Giá tiền: 107.000 đ
    Tác giả: PGS.TS. Đặng Cẩm Tú - GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: 195.000 đ