Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954)

Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954)
Tác giả: Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 9
Số trang: 272 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản:
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  • Cho đến bây giờ, tiếng tăm lẫy lừng của Tiểu đoàn 307 – đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược – vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. Ca khúc "Tiểu đoàn 307", nhạc Nguyễn Hữu Trí, thơ Nguyễn Bính đã theo bước chân hành quân của chiến sĩ Tiểu đoàn 307 vang lên trong lòng nhân dân khắp mọi miền đất nước cho đến hôm nay và ngàn đời sau. Bộ đội hát, nhân dân hát, nhất là khi Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vọng về miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã giục giã lòng người, nói lên hùng khí chiến đấu quên mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước của Tiểu đoàn 307.

    "Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang, Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy. Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy, cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi. Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy, nguyện một lòng gìn giữ non sông...". Bài ca "Tiểu đoàn 307" không chỉ dành riêng cho một tiểu đoàn, nó tự nhiên ngấm sâu tâm hồn yêu nước cách mạng của mọi người dân đất Việt, nghe du kích hát, bộ đội địa phương hát, chủ lực quân hát và toàn thể đồng bào hát như bài nguyện hướng về nên hòa bình, độc lập, tự do, và yêu non sông đất nước.

    Để có thêm nguồn sử liệu chính thống về Tiểu đoàn 307 anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống, kinh nghiệm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 9 nói riêng, toàn quân nói chung, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 xuất bản cuốn sách Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954). Cuốn sách ra đời là dịp cho thế hệ sau thể hiện trách nhiệm, sự tri ân đối với thế hệ trước – những người đã cống hiến xương máu và cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

    Cuốn sách Tiểu đoàn 307 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1948-1954) phản ánh quá trình hình thành, phát triển của một Tiểu đoàn bộ binh đã chiến đấu anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với thời gian 6 năm. Tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của Chiến khu 8 được thành lập ngày 1-5-1948 với tên gọi là Tiểu đoàn liên quân cơ động. Lễ thành lập được tổ chức hai bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang). Sau hơn hai tháng ổn định tổ chức, huấn luyện và vũ trang lực lượng, ngày 5-7-1948, Tiểu đoàn làm Lễ xuất quân tại Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Ngay sau Lễ xuất quân, Tiểu đoàn 307 đã đánh nhiều trận và liên tiếp lập nên nhiều chiến công vang dội, làm cho "quân Pháp run rẩy, sợ hãi".

    Trải qua 6 năm liên tục chiến đấu (1948-1954), từ ngày làm Lễ xuất quân đến khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc, Tiểu đoàn 307 luôn cùng Đảng bộ, quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm chiến đấu trên 110 trận lớn nhỏ. Trong đó, có 9 trận tiêu diệt cấp tiểu đoàn địch hoặc diệt phần lớn tiểu đoàn địch; 20 trận tiêu diệt cấp trung đội địch hoặc đánh thiệt hại nặng đại đội và trong đội địch; 5 trận đánh cường tập và kỳ tập, tiêu diệt đồn khoảng đại đội và trung đội địch; 50 trận tiêu diệt, bức rút, bức hàng các đồn bốt khoảng 1-2 tiểu đội; bức rút 1 tiểu khu và giải phóng 1 huyện, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến cách mạng; bắn chìm 9 tàu, làm hư hỏng 1 tàu địch; bắt sống hàng trăm tù binh, trong đó có trận Phong Phú – Cầu Kè bắt 97 tù binh Âu, Phi; thu hàng ngàn súng các loại và hàng chục tấn đạn dược. Chiến công của Tiểu đoàn 307 đã góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện, tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt và chiến đấu, Tiểu đoàn 307 đã có nhiều tấm gương điển hình của cán bộ, chiến sĩ được trân trọng và học tập, từ trong sinh hoạt, tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân đến tinh thần yêu nước, mưu trí, dũng cảm chiến đấu như: chiến sĩ Tạ Văn Bang, Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hải, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa, trinh sát Nguyễn Văn Xe, chiến sĩ Tống Văn Công, Tiểu đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn,...

    Trong quá trình trưởng thành và chiến đấu, Tiểu đoàn 307 là đơn vị tiêu biểu về kỷ luật dân vận, quân hệ tốt với nhân dân, thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân kháng chiến, dìu dắt lực lượng du kích và dân quân địa phương, phát triển phong trào chiến tranh nhân dân, vận động được nhiều thanh niên tòng quân, bổ sung quân số cho Tiểu đoàn xây dựng lực lượng, được nhân dân tin yêu đùm bọc, giúp đỡ. Là đơn vị có kỹ thuật tác chiến giỏi, đạt hiệu quả cao, ra quân trận nào là chiến thắng trận đấy, diệt nhiều sinh lực địch, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, làm quân địch  run sợ, góp phần bảo vệ Đảng, nhân dân và cơ quan chỉ huy ở khắp chiến trường Khu 8, Khu 9 và Nam Bộ.

    Những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307 anh hùng đã được các cựu chiến binh Tiểu đoàn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với trách nhiệm của những người đi trước đã cẩn thận ghi lại, qua nhiều lần được cơ quan chuyên môn Quân khu 9 góp ý chỉnh sửa và lưu giữ 20 năm qua. Và chúng ta lại nhớ đến cảm tưởng của Cố Thượng tướng Trần Văn Trà – nguyên Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Khu 8, Tư lệnh phân liên khu miền Đông trong những năm tháng chống thực dân Pháp đã nói về Tiểu đoàn 307 như sau: "Tiểu đoàn 307 là đơn vị có thành tích xuất sắc về nhiều mặt, là đơn vị Quân đội nhân dân tiêu biểu của chiến trường Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp" là "một đơn vị đã có phương thức tiến hành chiến tranh một cách nghệ thuật, đó chính là thực hiện chiến tranh nhân dân theo tư tưởng về quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Viện Lịch sử quân sự
    Giá tiền: 161.000 đ
    Tác giả: TS. Nguyễn Văn Duẩn
    Giá tiền: 107.000 đ
    Tác giả: PGS.TS. Đặng Cẩm Tú - GS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương (Đồng chủ biên)
    Giá tiền: 195.000 đ